Vietravel Airlines cần giải trình sau khi Bộ Tài chính đánh giá 'có khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ'

'Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu 700 tỷ đồng được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines', Bộ Tài chính đánh giá.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn số 10666/BGTVT-VT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông (Vietravel), Vietravel Airlines tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Tài chính (Công văn 12042/BTC-TCDN ngày 1/10/ 2020) về việc làm rõ năng lực tài chính của Công ty Vietravel trong việc bảo đảm mức vốn tối thiểu theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines.

Văn bản nêu rõ, Bộ Tài chính không nhận được Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cũng như văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đối với Vietravel Airlines kèm theo công văn số 7472/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ.

Do vậy, Bộ Tài chính chưa đủ cơ sở có ý kiến về việc xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đối với Vietravel Airlines theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP.

NHIỀU BĂN KHOĂN VỀ NGUỒN VỐN CỦA VIETRAVEL AIRLINES

Về phương án kinh doanh của Vietravel Airlines và năng lực tài chính của chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông, Bộ Tài chính cho hay, nguồn vốn để Vietravel đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Qua rà soát Báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty mẹ Vietravel, Bộ Tài chính thấy một số chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 30/6/2020 cần phải chú ý như tổng nợ phải trả là 1.578 tỷ đồng (gồm nợ phải trả ngắn hạn là 862 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỷ đồng), trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn + dài hạn là 942 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần; Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần; Lợi nhuận trước thuế là âm 65 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại, Bộ Tài chính kết luận.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (như 6 tháng đầu năm 2020) thì Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng (được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines và bị phong tỏa tại ngân hàng) có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại VPBank sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021, và trong phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác (năm 2021).

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ GTVT yêu cầu Công ty Vietravel, Vietravel Airlines có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan (đặc biệt là Bộ Công an) để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong quá trình hoạt động.

TÌNH HÌNH SỨC KHỎE CỦA CÔNG TY MẸ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã VTR) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ giảm mạnh tới gần 91% so với cùng kỳ về mức 206 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng giảm hơn 96% xuống còn vỏn vẹn 5 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ ở mức 2,4%. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, Vietravel lỗ ròng 38 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã lỗ liên tiếp 3 quý kể từ sau khi lên sàn cuối quý III/2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Vietravel ghi nhận 996 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 72% so với cùng kỳ qua đó lỗ ròng gần 80 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 77 tỷ đồng. Kết quả này đã “ngốn” gần hết của để dành của Vietravel khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thời điểm cuối tháng 6 đã giảm còn chưa đến 1 tỷ đồng.

Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch 3.065 tỷ đồng doanh thu, giảm sâu tới 60% so với kết quả năm trước đồng thời dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi. Sau nửa đầu năm, số lỗ thực tế đã vượt xa kế hoạch ban đầu.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/vietravel-airlines-can-giai-trinh-sau-khi-bo-tai-chinh-danh-gia-co-kha-nang-gap-kho-khan-trong-viec-tra-no-3554139.html