Vietnamobile kiến nghị gì lên Thủ tướng Chính phủ?

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile, Fong Chong Mei Elizabete vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc trước nguy cơ thua lỗ lên tới hàng tỷ USD do bị đối xử không công bằng.

Vietnamobile tiền thân là mạng thông tin di động HT Mobile ra đời từ tháng 1/2007 với công nghệ CDMA. Theo đại diện Vietnamobile, thời điểm đó do bất cập trong quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện và chiến lược phổ cập công nghệ CDMA tại Việt Nam nên doanh nghiệp bắt buộc lựa chọn công nghệ CDMA.

Tuy nhiên, công nghệ CDMA đã không còn sử dụng được nữa trong khi phải đầu tư các thiết bị, hạ tầng và hệ thống cho công nghệ GSM phủ sóng toàn quốc, lãnh đạo Vietnamobile cho hay, điều này đã khiến doanh nghiệp thiệt hại gần 2 tỷ USD.

Mặc dù vậy, tới tháng 5/2016, Vietnamobile đã chuyển đổi hình thức đầu tư sang công ty cổ phần. Với quyết tâm hoạt động lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài này, Vietnamobile đã phủ sóng tới 91,3% dân số (2G), 81,3% dân số (3G) và đã phủ sóng 4G tại 37 tỉnh, thành phố. Hiện doanh nghiệp có 7.345 trạm thu phát 3G, được đầu tư gần 1,196 tỷ USD, tương đương 27.866 tỷ đồng.

Nhưng lãnh đạo Vietnamobile cho hay, Vietnamobile đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do những chính sách cạnh tranh thiếu công bằng từ các nhà mạng khác.

Vietnamobile có nguy cơ lỗ hàng tỷ USD do bị đối xử bất công. Ảnh: Internet

Vietnamobile có nguy cơ lỗ hàng tỷ USD do bị đối xử bất công. Ảnh: Internet

Hiện nay, thị trường viễn thông di động tại Việt Nam có 5 doanh nghiệp: Viettel chiếm thị phần 50,6%; Vinaphone 24,8%; Mobifone 20,16; Vietnamobile 3,6% và Gtel 0,4%.

Ngoài ra, cùng với việc nắm giữ thị phần lớn, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone đang nắm giữ trên 95% quỹ tài nguyên số quốc gia. Do đó, trong văn bản kiến nghị, lãnh đạo Vietnamobile đề xuất xin được phân bổ thêm băng tần 850 MHz để tạo sự cạnh tranh cho thị trường thông tin di động Việt Nam; có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2600 MHZ, được thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 Mhz và 2100 MHz để các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ có cơ hội được sử dụng.

Hơn nữa, bà Fong Chong Mei Elizanbete cũng than phiền về việc nhà mạng này đã gửi 5 công văn liên quan đến nội dung này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Cùng với những đề xuất trên, Tổng giám đốc Vietnamobile mong muốn chính sách của cơ quan quản lý cần theo sát thực tế của thị trường, mà cụ thể là thị phần thực tế của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề giá cước trung bình trên thị trường viễn thông, đại diện Vietnamobile cho rằng, việc ba doanh nghiệp Viettel, Mobifone và Vinaphone tự thỏa thuận rằng các doanh nghiệp viễn thông di động trên thị trường không được bán thấp hơn 50.000 VNĐ/ tháng và các doanh nghiệp có thị phần nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5% (tức là 45.000VNĐ/ tháng) cho gói cước viễn thông di động là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh, làm "méo mó" thị trường.

Vì thế, nhà mạng này đề nghị cần làm rõ mối liên hệ giữa giá cước viễn thông trung bình và giá thành, việc bán thấp hơn giá thành chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường; cho phép doanh nghiệp viễn thông được chủ động xây dựng gói cước viễn thông phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần có sự phân loại tỷ lệ bán thấp hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp viễn thông có thị phần khác nhau, trong đó doanh nghiệp thị phần nhỏ thì được phép bán gói cước với mức thấp hơn tương ứng thị phần.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/vietnamobile-kien-nghi-gi-len-thu-tuong-chinh-phu-100190.html