Vietnam Origami Group (VOG): Sân chơi của Origami Việt

'Trước đây tôi từng nghĩ chắc là không có thằng khùng nào như mình thích xếp giấy, nhưng rồi sau đó tôi nhận ra xung quanh mình còn có rất nhiều người khác cũng yêu thích Origami. Và một điều may mắn nữa là tôi có được không ít tài liệu về Origami. Vì thế ý tưởng thành lập một tổ chức chung cho Origami Việt Nam đã ra đời...'. Đó là lời tâm sự 'hiệu triệu' của Hiba, thành viên tham gia sáng lập Vietnam Origami Group (VOG) đăng trên diễn đàn www.vogvn.org của nhóm. Ra đời từ tháng 3/2005, VOG đã nhanh chóng trở thành ngôi nhà chung cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật xếp giấy đến từ Nhật Bản này.

Thổi hồn cho giấy

Chỉ là những mẩu giấy đơn sơ, nhưng qua bàn tay mân mê gấp, xếp, bạn có thể biến thành những chú bọ, chú chó hay hình mặt người... với những chi tiết thật sống động. Thế nên đã có so sánh ví von rằng Origami cũng tương tự như định luật bảo toàn năng lượng: những mẩu giấy xếp không hề bị cắt xén hay thêm thắt vào mà chỉ biến hóa thành những hình dạng khác nhau. Tôi đã xuýt xoa khi anh bạn Hiba (dù nài nỉ mấy cũng không chịu tiết lộ tên thật) xòe những mẩu sáng tác mới nhất của mình tại Thư quán Việt Nhật trên đường Lê Thánh Tôn (TP.HCM): một chú rết nhỏ xíu xiu, một chú bọ đen với đầy đủ râu ria... mà bên trong là hàng chục lớp xếp khá ấn tượng! Để hoàn thành tác phẩm trên, Hiba phải "lùng" mua loại giấy thật mỏng trong khu Chợ Lớn rồi dành hàng giờ miệt mài ngồi gấp. Nhưng theo Hiba thì vẫn chưa "xi-nhê" bằng những mẫu mới mà các "cao thủ" của VOG "trình làng" đầu năm nay, trong đó có mẫu mất hàng mấy ngày trời. Đó là mẫu mang tên "Bóng Ninja" đầy công phu của Hoàng Trung Thành, thành viên mới học lớp 12 ở Hà Nội hay mẫu chú rắn hổ mang đầy uy mãnh của Hồng Hà và mẫu đại bàng tung cánh với màu xanh tuyệt đẹp của Nguyễn Hùng Cường.

"Đôi khi cũng không cần quá phức tạp, cầu kỳ, miễn sao chinh phục mọi người bằng vẻ đẹp của mẫu là bạn đã thành công", Hiba cho biết. Và với nhiều thành viên khác của VOG thì vẻ đẹp đích thực của Origami nằm ở sự đơn sơ, mộc mạc nhưng phải bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết mới có. "Đừng nghĩ chỉ cần khéo tay là có thể thành công bởi Origami còn đòi hỏi những kiến thức liên quan đến toán học và những chiêm nghiệm về cuộc sống. Nếu họa sĩ thể hiện cách nhìn về cuộc sống qua những nét vẽ thì nghệ nhân xếp giấy thể hiện qua những nếp gấp. Để có được những mẫu mới thường tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ, tìm tòi, thậm chí có mẫu phải gấp đi, gấp lại hàng chục lần mới đạt",

Mẫu "Bóng Ninja" của Hoàng Trung Thành

Hiba thổ lộ. Thế nên nếu không thực sự đam mê thì chuyện "giữa đường đứt gánh" là điều dễ hiểu. Nói như thành viên mang nick quachtinh01 trên diễn đàn VOG thì: "Những khi tôi cầm trên tay một tờ giấy, theo quán tính, tôi liền tạo cho tờ giấy một hình vuông rồi gấp một cái gì đó. Bạn bè thấy rất đẹp, bảo tôi bày cách gấp, nhưng khi đến giai đoạn phức tạp thì họ lại chán nản không đủ kiên nhẫn…". Nhưng bù lại, với các thành viên, niềm vui càng tăng khi vượt qua hành trình khó để hoàn thành tác phẩm sinh động y như thật và "trình làng" với "đồng môn". Như chuyện anh chàng Lê Trung Hiếu vượt qua thử thách gấp chú ngựa Komatsu ngày đầu "nhập môn" được loan truyền trên diễn đàn. Và có lẽ hạnh phúc đích thực với dân yêu Origami là khi thả hồn trong lúc gấp: "Thật khó diễn tả, giống như rơi vào trạng thái thiền, thật bình an, thanh thản"...

Và tứ hải giai huynh đệ

"Với Origami thì không có giới hạn không gian hay tuổi tác vì tinh thần đoàn kết là trên hết", đó là suy nghĩ chung của nhiều thành viên khi tìm đến VOG. Dễ thấy nhất là số lượng hàng trăm thành viên rải rác từ Bắc chí Nam, thậm chí có thành viên ở xa nửa vòng trái đất nhưng vẫn "kết nối" chặt chẽ với nhau thông qua diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm cũng như cập nhật thông tin về Origami... Trong số đó, học sinh phổ thông, sinh viên chiếm "áp đảo" và có cả những thành viên đã đi làm như Lê Nhật Anh, Quang Dũng... hay có người thuộc hàng "băm" như "lão tướng" Đinh Trường Giang nhưng tâm hồn vẫn tươi trẻ qua các mẫu xếp rất sinh động. Tinh thần "tứ hải giai huynh đệ" thể hiện càng rõ khi VOG lần lượt tổ chức đại hội Origami tại Hà Nội vào tháng 6 ở Cafe Intello và tháng 10.2005 trong khuôn viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy ở xa, nhưng các thành viên miền Nam vẫn hưởng ứng bằng cách gửi các mẫu gấp qua đường bưu điện cho "đồng môn", giúp phần trưng bày thêm phong phú. Ngược lại, khi Sài Gòn tổ chức họp mặt, các thành viên phía Bắc cũng tích cực "chi viện". "Những lần họp mặt offline vui không thể tả, nhiều người chưa biết mặt nhau nhưng khi gặp thấy hợp "gu", có thể trò chuyện hàng giờ mà không thấy chán. Chưa kể còn thu hút thêm nhiều bạn trẻ tìm đến với Origami", Hiba bật mí. Chính vì thế, VOG đang ấp ủ ý định tổ chức một đại hội Origami "hoành tráng" tại Sài Gòn vào hè năm nay, mà địa điểm lý tưởng nhắm đến là Nhà văn hóa Thanh niên.

"Bộ sưu tập" côn trùng của Hiba (ảnh: V.A)

Không chỉ trong nước, các thành viên VOG còn tự hào khi kết bạn và rút ngắn khoảng cách với dân chơi Origami trên thế giới. Trong đó những cái tên như Giang Đình, Trung Thành, Hùng Cường, Quốc Bảo... được những trang web quốc tế về Origami biết đến, chẳng hạn như trang web khá uy tín của anh bạn kỹ sư người Pháp Nicolas Terry hay của anh bạn người Mỹ Michael Laffosse. Thậm chí có anh chàng người Tây Ban Nha thỉnh thoảng còn vào diễn đàn VOG để tầm "cao thủ" hướng dẫn. Đặc biệt, hầu hết các thành viên đều tỏ lòng kính phụcYoshizawa Akira, vị "tổ sư" có công sáng lập trường phái Origami hiện đại bằng một cuộc thi gấp giấy theo mẫu khỉ đột nổi tiếng của ông mà giám khảo không ai khác chính là Laffosse.

"Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Origami Việt cũng không hề thua kém bạn bè các nước. Quan trọng làm thế nào để ngày càng nhiều bạn trẻ thật sự yêu thích và tìm đến với môn nghệ thuật này, chung tay phát triển Origami Việt chứ không để bị xem như những kẻ rỗi hơi, chơi trò trẻ con vớ vẩn...", đó là niềm mong mỏi và cũng là thông điệp mà những thành viên VOG muốn gửi gắm.

Vân Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/vietnam-origami-group-vog-san-choi-cua-origami-viet-320365.html