Vietnam Grand Prix 2020: Chặng đua đầy thách thức

Ngày 7/11, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia thứ 22 đăng cai một chặng đua xe Công thức Một (Formula One – F1) vào năm 2020. Nhưng đó mới chỉ là những nỗ lực ban đầu. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đưa đường đua tốc độ được coi là hấp dẫn nhất thế giới đến với người hâm mộ Việt Nam...

Đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) là một trong những môn thể thao đua xe hấp dẫn nhất hành tinh. Hàng năm, các giải đua diễn ra trên khắp thế giới, từ châu Úc đến châu Âu, qua châu Mỹ, tới châu Á và cả ở Trung Đông. Được khởi xướng từ năm 1950, các giải đua xe F1 hiện rất phổ biến trên thế giới. Thông thường mỗi giải đua xe có 10 đến 12 đội tham gia, được tài trợ bởi những thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới như Ferrari, Mercedes-Benz, Renault, McLaren...

Thủ đô Hà Nội là địa điểm được chọn để xây dựng chặng đua đường phố thứ ba trên thế giới. Thoạt nghe, F1 và Việt Nam dường như chả liên quan tới nhau. Đến mức, khi thông báo chính thức được loan tải trên các trang báo quốc tế, nhiều người hâm mộ giải đua xe tốc độ này không khỏi bất ngờ.

Lợi ích đôi bên

Công ty sở hữu F1, Liberty Media muốn mở rộng lượng người hâm mộ theo dõi giải đua bằng cách xây dựng thêm những đường đua mới. Việt Nam cũng giống với các quốc gia mới đăng cai đường đua F1 khác, muốn tranh thủ tiếng tăm của F1 để giới thiệu tới bạn bè quốc tế rằng Việt Nam không chỉ mang vẻ đẹp cổ kính mà còn rất hiện đại, và đang thật sự hội nhập toàn diện với thế giới. Đây quả là sự quảng bá tuyệt vời cho đất nước hình chữ S.

Đường đua F1 tại Việt Nam dài 5.565 km tại khu thể thao Mỹ Đình được công ty Grand Prix Việt Nam (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ.

Đường đua Vietnam GP kéo dài 5.565 km được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 12km về phía Tây, trong khu thể thao Mỹ Đình và do công ty Grand Prix Việt Nam (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ. Thiết kế của chặng đua cũng được đánh giá khá là thú vị bởi nó là sự kết hợp của các đường đua khác nhau như Nurburgring (Đức), Monaco, Suzuka (Nhật Bản) và Sepang (Malaysia). Các tay đua có cơ hội vừa so tốc độ trên đường phố, vừa trổ tài tại các góc cua trong trường đua chuyên biệt.

Thách thức đợi chờ

Một trong những thách thức của Liberty phải đối mặt là liệu Hà Nội có phù hợp dành cho tương lai của F1 hay không. Khó khăn đầu tiên là khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi, chỉ chưa đầy hai năm để thiết kế, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, không gian công cộng và các khu vực dân sinh trở thành đường đua. Chi phí đầu tư xây dựng cũng không phải là nhỏ, nếu xây dựng một trường đua riêng biệt chỉ dành riêng cho F1 thì tốn khoảng 1 - 1,5 tỷ USD, nhưng sẽ dùng được lâu dài và cho các chặng đua F2, F3 rồi thay đổi độ nghiêng để đua motor phân khối lớn. Thế nhưng tổ chức đua ngoài phố thì tiết kiệm ngắn hạn chứ thật ra là ‘chơi sang’ - theo ông Lý Nguyên Khương - Giám đốc Marketing vùng Đông Nam Á của Redbull.

Ngoài ra, mùa giải năm nay của F1 có 21 chặng, một con số lớn chưa từng có. Trong lịch sử của giải, F1 mới tổ chức có một mùa giải dài hơi như vậy. Với việc Hà Nội là chặng đua thứ 22 vào năm 2020, và Liberty đang ngắm tới mở thêm một số đường đua tại Miami, Las Vegas (Mỹ), Johannesburg (Nam Phi), Zandvoor và Assen (Hà Lan), con số này có thể tăng lên nhiều hơn trong những năm tới.

Tuy vậy, việc mở rộng này đã vấp phải phản ứng từ các đội đua. Quản lý đội Red Bull là Christian Horner cho rằng 21 chặng đua khiến mùa giải trở nên bão hòa. Còn Cyril Abiteboul, quản lý của đội đua Renault thì gay gắt hơn khi cho rằng, lịch thi đấu nên cắt xuống còn 15 đến 18 chặng đua để giữ lại tính thể thao và bỏ qua vấn đề tài chính vì đối với các đội đua, đó là điều không quan trọng.

Sự quan tâm của giới hâm mộ người Việt tới giải đua cũng là một điều đáng quan tâm bởi giá vé vào cửa xem thi đấu không hề rẻ. Ở Hongkong, giá vé trọn gói lên tới 300 USD, mức giá này ở Việt Nam sẽ khó có thể bán được cho đại chúng. Trước đây, F1 dưới thời của ông chủ cũ là Bernie Ecclestone cũng đã bổ sung một loạt những chặng đua mới tại Trung Quốc, Baku, Abu Dhabi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Singapore. Tuy nhiên, với việc không có đội tham gia thi đấu và lượng khán giả đến xem trực tiếp tại trường đua cũng thấp, nhiều đường đua chỉ được sử dụng trong vài ba ngày cuối tuần rồi bị bỏ hoang và không thể sử dụng làm việc gì khác. Ấn Độ chỉ tổ chức F1 được 3 năm, Hàn Quốc là 4 năm, Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhận được nhiều lời khen từ các tay đua, nhưng cũng đóng cửa trường đua sau 7 năm.

Chính vì lý do này, Liberty cũng sẽ rất thận trọng khi bắt tay làm việc với Việt Nam. Với một bản hợp đồng hợp tác 10 năm, Liberty sẽ cố gắng đẩy mạnh doanh thu bằng cách thu hút một lượng lớn người theo dõi qua truyền hình trả tiền, tuy nó không đơn giản như việc tổ chức một cuộc đua và bán vé cho người đến xem. Ông chủ F1 đứng trước một thử thách khó nhằn nhưng cũng là một cơ hội thử nghiệm hiếm có, để xem liệu họ có thể chiếm được lấy trái tim của người Việt dành cho môn thể thao này hay không.

Nhưng dù thế nào, thì việc đưa được giải đua danh tiếng F1 đến với Việt Nam cũng là một nỗ lực lớn, một thành công ban đầu của phía Việt Nam.

Quang Đào

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vietnam-grand-prix-2020-chang-dua-day-thach-thuc-81721.html