Vietnam Airlines muốn tăng lương, giữ người

'Doanh nghiệp muốn mở nút thắt cơ chế, chủ động hoàn toàn về chính sách nhằm giữ chân nhân lực chất lượng cao', Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Dương Chí Thành đề nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với hơn 1.000 công nhân, lao động kỹ thuật cao tại TPHCM hôm 5-5 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, người đứng đầu hãng hàng không quốc gia đã lên tiếng.

 Ảnh chụp một phi công nữ của Vietnam Airlines, doanh nghiệp đang muốn được thay đổi, chủ động hơn nữa trong cơ chế trả lương cho nhân lực chất lượng cao. Ảnh: VNA

Ảnh chụp một phi công nữ của Vietnam Airlines, doanh nghiệp đang muốn được thay đổi, chủ động hơn nữa trong cơ chế trả lương cho nhân lực chất lượng cao. Ảnh: VNA

Lý do là xuất phát từ đặc thù ngành nghề kinh doanh hàng không đòi hỏi lực lượng lao động kỹ thuật cao như phi công, kỹ sư máy bay... đáp ứng được điều kiện làm việc trong nước và môi trường quốc tế, hãng luôn không ngừng đào tạo, tuyển dụng và nâng chất cho đội ngũ bằng các hình thức khác nhau. Vietnam Airlines hiện đang khai thác và vận hành trên 115 máy bay, tổng số cán bộ nhân viên là trên 20 ngàn người. Trong đó lực lượng phi công là 1200 người, kỹ sư máy bay 2.500 người. Riêng lực lượng phi công thì số phi công là người Việt nam chiếm khoảng 75%, gấp gần 4 lần so với năm 2014 và mỗi năm phát triển thêm từ 80-100 phi công cho khai thác.

Với việc vận hành cùng lúc hai dòng máy bay hiện đại nhất hiện nay là Airbus 350 và B787, với nòng cốt chủ lực là phi công người Việt Nam, lợi thế của hãng đang bị “đe dọa”. Lý do là tình trạng “chảy máu” phi công, đặc biệt là phi công lái dòng máy bay B787 sang các hãng nội địa và nước ngoài, kể cả các hãng bay Trung Quốc và Đông Nam Á, đang trong quá trình nâng cấp đội bay và cạnh tranh quyết liệt trên bầu trời.

Ông Thành nói tại cuộc gặp rằng, Vietnam Airlines đang bị chảy máu chất xám do các hãng mới gia nhập thị trường vận tải hàng không. Trong hai năm 2018-2019, tình hình phi công nghỉ việc ngày càng diễn biến phức tạp, dù hãng đã tăng lương cho phi công từ tháng 6/2018.

Hiện nay, lương bình quân của phi công hãng hàng không quốc gia là 132 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức bình quân 180 triệu đồng/tháng của Vietjet và mức bình quân khoảng 200 triệu đồng/tháng của Bamboo Airways.

Trước đây, có tình trạng phi công của Vietnam Airlines nghỉ việc qua lái cho Vietjet Air. Nay lại có hiện tượng phi công của cả hai hãng tiếp tục tìm đường sang hãng Bamboo Airways vì chào mời mức lương cao hơn. Thậm chí là các phi công Việt Nam được chào mời qua lái cho các hãng Đông Nam Á và Trung Quốc với mức lương rất hấp dẫn.

Ông Thành cho biết: “Một số hãng sẵn sàng bỏ ra chi phí lương cao hơn để thu hút 30% số phi công của chúng tôi”.

Tính từ 2015-2018, số phi công nghỉ việc của một hãng đã lên đến con số 400 người, trong đó có 114 phi công người Việt, chiếm 10% tổng số phi công hiện có của hãng.

Mà theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dù chậm hơn những năm trước. Hiện có 171 tàu bay khai thác mang quốc tịch Việt Nam và ngay trong năm 2019, cả ba hãng hàng không đều dự định đưa 7 máy bay thân rộng (Vietnam Arilines), 5 máy bay thân hẹp (Vietjet Air) và đề nghị đưa 40 máy bay (thay vì 3 tàu như kế hoạch) của Bamboo Airways vào khai thác.

Dự kiến đến 2020, sẽ có khoảng 250 tàu bay Việt Nam khai thác, dẫn đến việc thiếu cả nhân lực quản lý giám sát, thiếu cả phi công và thiếu luôn thợ kỹ thuật.

Vietnam Airlines đang bị chảy máu chất xám do các hãng mới gia nhập thị trường vận tải hàng không. Ảnh minh họa là đội ngũ tiếp viên của hãng. Ảnh: VNA

Tính toán của cục cho thấy, từ nay đến 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu. Dù chủ động đào tạo song Vietnam Airlines cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại.

Đó là lý do mà ông Thành đề xuất : “Con đường của Vietnam Airlines là phải có điều kiện nâng cao thu nhập của phi công và lực lượng kỹ sư, thợ kỹ thuật cao hơn mức hiện hành”. Ông đề nghị có những quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động và các quy định chuyên ngành đảm bảo cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.

Cụ thể là cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp cần được cởi nút thắt theo hướng để cho doanh nghiệp chủ động xây dựng những chính sách phù hợp hơn nhằm giữ chân người lao động. Mặt khác Chính phủ cần ban hành những quy định về kế hoạch mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp với sự phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước, đi kèm với đào tạo nguồn lực.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288416/vietnam-airlines-muon-tang-luong-giu-nguoi.html