Vietnam Airlines lỗ hơn 10.700 tỷ đồng

Chín tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, lỗ 10.750 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 8.737 tỷ đồng.

Chia sẻ trong nhiều lần gặp gỡ trước đó, cũng như báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình khó khăn của hãng do Covid-19 gây ra, đại diện Vietnam Airlines từ tháng sáu đã cho biết, đến tháng tám, nếu không được Chính phủ hỗ trợ giải ngân, cho vay ưu đãi thì hãng sẽ hết tiền và nguy cơ phá sản.

Song đến nay, được biết, Chính phủ vẫn chưa duyệt hỗ trợ giải ngân hay vay vốn ưu đãi cho Vietnam Airlines nhưng hãng vẫn chưa thực sự hết tiền như cảnh báo trước đó. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi, phải chăng cảnh báo trước đó chưa chính xác?

Tại buổi trao đổi thông tin quý III-2020 vào sáng nay, 13/10, ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines cho biết, hết tháng 6-2020, doanh thu của hãng này chỉ đạt trên 20.000 tỷ đồng, bằng 53%, lỗ 6.500 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ lỗ 5.111 tỷ đồng.

Vietnam Airlines tiếp tục lỗ sâu trong quý III-2020

Vietnam Airlines tiếp tục lỗ sâu trong quý III-2020

Tuy nhiên, thời điểm đó, Vietnam Airlines vẫn còn dư khoảng 2.695 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo ông Hiền là do các khoản vay ngắn hạn đã được đẩy lên rất mạnh (4.600 tỷ đồng), các khoản đàm phán giãn hoãn hơn 3.600 tỷ đồng.

“Riêng 2 khoản này cộng lại là 8.000 tỷ đồng. Nếu không tiếp cận vốn vay ngân hàng, không đàm phán giãn, hoãn thì hết tiền từ lâu lắm rồi”, ông Hiền cho hay.

Thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, ông Hiền cho hay, Vietnam Airlines đạt doanh thu xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, lỗ 10.750 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 8.737 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo ông Hiền, doanh thu quý III -2020 của hãng chỉ tương đương 32% của quý III-2019. Trong khi đây là quý cao điểm, thường có doanh thu cao nhất trong năm.

Cũng theo ông Hiền, hết tháng 9, Vietnam Airlines còn khoảng 1.900 tỷ đồng nhưng vay ngắn hạn tăng lên, nợ quá hạn được giãn hoãn cũng tăng lên tương ứng.

Trả lời về việc, hồi tháng 6 hãng đưa ra cảnh báo, nếu không được “rót” tiền từ Chính phủ thì vào tháng 8 vừa sẽ hết tiền, ông Hiền cho hay: “Nếu không giải quyết bài toán chủ động ứng phó ảnh hưởng của Covid-19 thì không phải đến tháng 8 mà ngay tại thời điểm tháng 6 đã phải làm hàng loạt giải pháp rồi, nếu không có giải pháp mới sẽ hết tiền”.

Theo đại diện Vietnam Airlines, hãng còn duy trì được là bởi trước dịch Covid-19 hãng có “sức khỏe” rất tốt về tài chính. Trong khi đó, không ít hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới đã đệ đơn phá sản hoặc phải bán tài sản đi để cầm cố.

“Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tới 5.335 tỷ đồng, trong đó có phần cắt giảm khó ra quyết định nhất là chi phí tiền lương, nhân công. Cùng đó, hãng cũng làm việc với ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay, lùi thời hạn trả nợ về sau. Nếu phải trả nợ thì tiền sẽ hết ngay; Đàm phán với đối tác để giãn tiến độ thanh toán hơn 4.200 tỷ đồng (đến cuối năm con số này dự kiến tăng lên đến 6.000 nghìn tỷ đồng). Đây là cách để Vietnam Airlines có thể đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động và sống sót”, ông Hiền cho hay.

Đáng chú ý, ông Hiền cũng bác thông tin về việc Vietnam Airlines đệ đơn xin phá sản lên Chính phủ. “Thông tin này rất sai. Không có chuyện đó, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để vượt qua khủng hoảng”- ông Hiền khẳng định.

Cũng theo chia sẻ từ Vietnam Airlines, dự báo thị trường hàng không chỉ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 (sẽ đạt mức như năm 2019). Từ nay đến đó, thị trường hàng không toàn cầu sẽ vẫn gặp khó khăn, nhưng thua lỗ sẽ giảm dần

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vietnam-airlines-dang-no-luc-het-suc-de-vuot-qua-khung-hoang-post447085.antd