Vietnam Airlines kiên định mục tiêu tăng trưởng

Thị trường hàng không đang cạnh tranh gay gắt, nhưng Vietnam Airlines vẫn quyết theo đuổi mục tiêu cán mốc lợi nhuận hợp nhất gần 3.400 tỷ đồng trong năm 2019, dù để đạt được mục tiêu này, hãng hàng không quốc gia sẽ khó thảnh thơi.

Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện Kế hoạch Phát triển đội tàu bay để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện Kế hoạch Phát triển đội tàu bay để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cân đối 3 mục tiêu lớn

Quyết theo đuổi mục tiêu lợi nhuận đã đề ra là thông điệp được lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) nhiều lần nhấn mạnh tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa được tổ chức cuối tuần trước.

Trên thực tế, sự thỏa mãn là điều có thể nhận thấy từ các cổ đông sau khi HĐQT và Ban Điều hành Vietnam Airlines đã dành gần 2 tiếng để giải đáp thuyết phục hàng chục câu hỏi hóc búa liên quan đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh và việc xác lập vị thế của Hãng trong bối cảnh thị trường hàng không đang cạnh tranh gay gắt.

“Năm 2019, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì thị phần tối thiểu tại thị trường nội địa ở mức 55%; giữ thị phần hợp lý ở thị trường quốc tế để đảm bảo cân đối giữa các mục tiêu: tăng trưởng - thị phần - hiệu quả; triển khai thực hiện đổi mới đội tàu bay theo Kế hoạch Phát triển đội tàu bay giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nói.

Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển khách hơn 24,9 triệu lượt; chỉ tiêu doanh thu hợp nhất hơn 111.700 tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 3.334 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong khi doanh thu hợp nhất tăng 12%, thì lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2019 của Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu tăng 1,5%.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mặc dù đến hết quý I/2019, Vietnam Airlines đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.579 tỷ đồng, tương đương 45% kế hoạch cả năm, nhưng không có nghĩa là sẽ được thảnh thơi trong 9 tháng còn lại.

“Đối với kinh doanh hàng không, các tháng 3, 4, 5 thường là tháng thấp điểm, nên Hãng thường tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, huấn luyện đào tạo và… chấp nhận ghi lỗ. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiên liệu bay có nguy cơ vượt giá kế hoạch, các mục tiêu kinh doanh năm 2019 có thể coi là khá thách thức với Vietnam Airlines”, ông Thành nhận định.

Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa đã có dấu hiệu bão hòa từ năm 2017, sau khi tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên hạ xuống 1 con số (9,1%), thậm chí còn sụt giảm nghiêm trọng trong quý I/2019 khi sản lượng hành khách qua các cảng hàng không chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, ngoại trừ Vietnam Airlines chỉ bổ sung thêm 8 tàu bay, các hãng hàng không còn lại vẫn đang tiếp tục đổ cung tải rất mạnh.

Sự gia tăng mạnh về cung tải kéo theo cuộc đua về giá và khuyến mãi, khiến lợi nhuận từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi tại thị trường nội địa của một số hãng sẽ không thể có lãi, nếu không được bù đắp bằng lợi nhuận từ nghiệp vụ tài chính bán và thuê lại tàu bay, từ lĩnh vực kinh doanh phụ trợ.

“Trong 8 tiêu chí để Đại hội đồng cổ đông thông qua về kinh doanh, có một số chỉ tiêu sẽ phải điều hành linh hoạt, nhưng có chỉ tiêu chắc chắn sẽ phải thực hiện bằng được, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận, để đảm bảo cam kết với cổ đông và đảm bảo quyền lợi của cổ đông”, ông Minh khẳng định.

Jetstar Pacific đã báo lãi

Liên quan đến việc xử lý các khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 4.000 tỷ đồng của Jetstar Pacific hình thành từ trước khi chuyển về Vietnam Airlines vào năm 2012, lãnh đạo Tổng công ty khẳng định, hãng hàng không giá rẻ liên doanh với Qantas Airways đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận, Vietnam Airlines đã cùng các cổ đông khác triển khai các giải pháp hỗ trợ để tái cấu trúc hoạt động của Jetstar Pacific (đội bay, mạng bay, hỗ trợ các hoạt động điều hành khai thác, bảo dưỡng máy bay…); bổ sung vốn điều lệ.

Nhờ vậy, kết quả hoạt động của Jetstar Pacific đã giảm lỗ hàng năm (năm 2012 lỗ 403,8 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 273,7 tỷ đồng; năm 2014 có lãi 8,4 tỷ đồng và năm 2015 lãi 112 tỷ đồng).

“Về phân khúc giá rẻ, chúng tôi cho rằng, đây là tương lai của hàng không. Trong chính sách của mình, Vietnam Airlines sẽ phát triển trên cả 3 phân khúc. Quá trình phát triển Jetstar Pacific là nhiệm vụ rất khó khăn kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản đội bay. Cho đến bây giờ, hoạt động tái cơ cấu cơ bản đã thành công. Năm 2018, Jetstar Pacific đã báo lãi và chúng tôi tin tưởng, phân khúc giá rẻ mà Jetstar Pacific đang thực hiện có tương lai để phát triển”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Vietnam Airlines đã trình và được Đại hội thông qua chủ trương đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có lịch giao giai đoạn 2021 - 2025 và đặt hàng có lựa chọn mua thêm 50 tàu bay nữa với lịch giao linh hoạt.

Một số chỉ tiêu của Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025

Trên cơ sở giá nhiên liệu dự báo 85 USD/thùng JetA1, tỷ giá tăng 2%/năm, Vietnam Airlines phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chính trong giai đoạn 2021 - 2025 như sau: tổng sản lượng vận chuyển hành khách: 178,6 triệu khách; tổng doanh thu công ty mẹ: 554.938 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ: 14.044 tỷ đồng; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân công ty mẹ đạt 9,8%. Mức lợi nhuận này đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt từ 13 -15%, qua đó đảm bảo giá trị cổ phiếu và quyền lợi cổ đông.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vietnam-airlines-kien-dinh-muc-tieu-tang-truong-d100185.html