Vietnam Airlines gặp khó vì giá nhiên liệu tăng cao

Giá nhiên liệu bình quân trong quý 3 tăng 37,5% so với cùng kỳ đã khiến tổng chi phí của Vietnam Airlines tăng nhanh hơn tổng doanh thu.

Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (HVN) báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2018 tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 73.503 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm 17%, xuống còn 1.968 tỷ đồng.

Doanh thu hợp nhất của HVN bao gồm Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và 20 công ty con, công ty liên kết trong đó có hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.

Riêng doanh thu của Vietnam Airlines đạt 54,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 8,5% xuống 1.648 tỷ đồng.

Sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay đã giúp HVN đẩy mạnh được doanh thu. Trong quý 3, dù là quý thấp điểm song lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sử dụng phương tiện hàng không tiếp tục được cải thiện.

Doanh thu từ vận tải hàng không của HVN đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hình thức bay thuê chuyến đạt tăng trưởng, chủ yếu là bay đến các nước Đông Á và đóng góp của công ty con Jetstar Pacific.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm trong khi doanh thu tăng, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam cho biết nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu từ đầu năm đến này đã tăng rất mạnh. Trong quý 3, giá nhiên liệu đã tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp, theo đó cũng giảm từ 15,4% xuống còn hơn 13%.

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều sử dụng xăng Jet – A1 cho các chuyến bay của mình. Giá xăng Jet – A1 tăng do giá dầu liên tiếp phá đỉnh, có thời điểm lên gần 80 USD/thùng. Đặc thù của ngành hàng không đó là tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động rất lớn, khoảng gần 50%. Chỉ cần giá dầu nhích lên vài phần trăm, các hãng hàng không có thể sẽ mất sạch lợi nhuận.

Với Vietnam Airlines, sự xuất hiện của các công ty con khiến tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động thấp hơn so với các hãng hàng không thông thường, chỉ giao động ở mức 25 – 30%. Mặc dù vậy, tác động vẫn ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận.

Một lý do khác khiến lợi nhuận giảm là lỗ chênh lệch tỷ giá do nợ bằng USD. Chi phí tài chính tăng 12,4% trong 9 tháng đầu năm lên 2.948 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ do chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản nợ 1,8 tỷ USD của HVN tăng mạnh 25%.

Máy bay trong đội bay của Vietnam Airlines

Dự báo, quý 4 của HVN cũng khó thu về kết quả khả quan, khi đây thường là quý thấp điểm của ngành hàng không. Để kích cầu, các hãng hàng không thường phải giảm giá vé khiến doanh thu thấp các quý khác trong năm.

Thực tế cho thấy, HVN cũng thường xuyên thua lỗ hoặc đạt lợi nhuận rất thấp trong quý 4. Trong năm 2015, 2016, HVN lần lượt báo lỗ trong quý 4 là 152 tỷ đồng và 70 tỷ đồng; năm ngoái, tập đoàn báo lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, không phải không có những tín hiệu tích cực hỗ trợ HVN. Giá dầu sau khi liên tiếp phá đỉnh hiện đã giảm nhiệt. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá dầu WTI từ ngưỡng gần 80 USD/thùng đã giảm xuống chỉ còn 60 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm từ gần 90 USD/thùng xuống quang mức 70 USD thùng, qua đó giúp giá nhiên liệu máy bay giảm.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, tuy HVN không có câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn như Vietjet Air nhưng vẫn có yếu tố để nhà đầu tư kỳ vọng. Hiện tại, hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines vẫn thống lĩnh các tuyến bay trong nước cũng như các tuyến bay kết nối Việt Nam với các trung tâm trong khu vực, cùng với đó là các công ty con và liên kết đều độc quyền hoặc chỉ có một đối thủ trên thị trường dịch vụ hàng không.

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vietnam-airlines-gap-kho-vi-gia-nhien-lieu-tang-cao-1541994861375.htm