Vietnam Airlines dự kiến lỗ gần 15.200 tỷ, đẩy mạnh bán tàu bay để trang trải dòng tiền

Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất gần 15.200 tỷ đồng trong năm 2020, riêng công ty mẹ lỗ gần 14.500 tỷ đồng. Lỗ lớn khiến vốn chủ sở hữu sụt sâu nên năm nay, theo kế hoạch, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của hãng hàng không này sẽ vọt lên mức gần 17 lần, từ mức 2,7 lần cuối năm ngoái.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ gần 15.200 tỷ, đẩy mạnh bán tàu bay để trang trải dòng tiền

Vietnam Airlines dự kiến lỗ gần 15.200 tỷ, đẩy mạnh bán tàu bay để trang trải dòng tiền

Ngày 10/8 tới, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) sẽ chính thức tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sau nhiều lần lỗi hẹn.

Theo tài liệu đại hội, năm 2020, hãng hàng không quốc gia dự kiến chỉ vận chuyển 14,5 triệu lượt khách, giảm 36,8% so với năm ngoái; khách luân chuyển dự kiến ở mức 16,2 tỷ khách.km, giảm 56,9% do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đặc biệt là đối với các chuyến bay quốc tế.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines quyết định tạm dừng khai thác các đường bay đi Châu Âu và Úc trong cả năm 2020; dự kiến bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3 – 5 chuyến/tuần và bắt đầu dần ổn định khai thác từ tháng 12.

Dựa trên kế hoạch khai thác như trên, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu hợp nhất năm nay ở mức gần 40.600 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm ngoái. Tổng chi phí hợp nhất ở mức gần 55.800 tỷ đồng, giảm trên 40%.

Lỗ trước thuế và lỗ sau thuế hợp nhất theo kế hoạch lên đến gần 15.200 tỷ đồng.

Tại đại hội, HĐQT Vietnam Airlines sẽ trình chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007-2008 (bao gồm phương án dự phòng Sale and Lease back - SLB đối với 3 tàu sản xuất 2008).

Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho biết việc bán 6 tàu A321CEO sản xuất 2007 đã có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nằm trong chương trình đổi mới đội tàu bay của tổng công ty theo định hướng thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác trên 12 năm tuổi bằng các tàu bay thế hệ mới, tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường vận chuyển hàng không. Theo dự báo của Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) và các tổ chức phân tích thị trường, ngành hàng không thế giới sẽ mất 2 – 3 năm để hồi phục về mức của năm 2019. Sự phục hồi của các đường bay quốc tế dài sẽ còn chậm hơn nữa.

"Đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Jestar) sẽ dư thừa, cả đội tàu bay thân rộng và đội tàu bay thân hẹp. Theo kịch bản điều hành và các dự báo hiện tại, số lượng tàu bay sẽ dư thừa khoảng 25 tàu bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay vào năm 2021 (đã bao gồm 6 tàu bán theo kế hoạch).

Đại dịch Covid-19 đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ lớn của tổng công ty trong năm 2020. Tổng công ty đang phải nỗ lực thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu, hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng. Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, tổng công ty sẽ phải thực hiện cơ cấu lại tài sản để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid 19, vừa có thêm dòng tiền và thu nhập", văn bản trình chủ trương của Vietnam Airlines nêu rõ.

Do đó, ngoài 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch, hãng hàng không này dự kiến đẩy sớm chương trình bán 3 tàu A321CEO sản xuất 2008 lên giai đoạn 2020-2021 (kế hoạch bán ban đầu là giai đoạn 2023-2024). Đồng thời dự phòng phương án SLB cho 3 tàu này nếu có hiệu quả tài chính hơn so với phương án bán.

"Tổng công ty sẽ quyết định thời điểm bán cụ thể, hình thức thực hiện bán hay SLB (đối với 3 tàu sản xuất 2008) phụ thuộc vào tình hình thị trường, nhu cầu khai thác và tình hình sản xuất kinh doanh của tổng công ty tại từng thời điểm cụ thể, đảm bảo thu hồi đủ chi phí vốn", phía Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Do khó khăn về tài chính nên hãng hàng không quốc gia dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2020.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Vietnam Airlines, kiểm toán viên của Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không này.

Cụ thể, kiểm toán nêu rõ: “Các diễn biến của dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty. Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, sự đồng ý giãn tiến độ thanh toán của các đối tác và việc gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.

Những điều kiện hiện tại, cùng các vấn đề khác như trình bày tại Thuyết minh số 36, đã cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty".

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vietnam-airlines-du-kien-lo-gan-15200-ty-day-manh-ban-tau-bay-de-trang-trai-dong-tien-20180504224241954.htm