Vietnam Airlines đang vướng cả 3 yếu tố bị xem xét hủy niêm yết cổ phiếu

Ngày 7/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có văn bản gửi Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) về việc lưu ý công ty về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đã khởi sắc hơn khi bước sang năm 2022.

Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines đã khởi sắc hơn khi bước sang năm 2022.

HoSE cho biết, ngày 1/6/2022, Sở đã ban hành quyết định về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN. Lý do là vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 1.160 tỷ đồng, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2 năm gần nhất (2020, 2021).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ HVN là -5.167 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là -28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -4.897 tỷ đồng.

Theo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Hiện HVN đang vướng phải 3 yếu tố trên nên HoSE lưu ý công ty về khả năng hủy niêm yết.

Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2022 của Vietnam Airlines, các kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam lưu ý: Tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 14.858 tỷ đồng.

Deloitte Việt Nam cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên còn lưu ý Vietnam Airlines vẫn áp dụng tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022, theo hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2021 và 2020.

Tại ngày báo cáo này, công ty đã trình các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục được áp dụng hướng dẫn kế toán riêng cho các khoản mục này cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và đang chờ phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.

Trong công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát hồi đầu tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines cho biết đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua giống như lần tăng vốn năm 2021. Lần đó, hãng bay đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Với phương án tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cách làm trước đây là Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước, theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Vietnam Airlines còn một phương án khác để tăng vốn chủ sở hữu là phát hành cổ phiếu ra công chúng. Việc này sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines mà không thông qua thoái vốn.

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vietnam-airlines-dang-vuong-ca-3-yeu-to-bi-xem-xet-huy-niem-yet-co-phieu-post10995.html