Vietnam Airlines chi gần 1 tỷ đồng mua bổ sung dây an toàn

Thường xuyên bị mất dây an toàn, áo phao, nhiều vật dụng khác bị rách hỏng… đã khiến các hãng hàng không 'dở khóc, dở cười'.

Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không trong nước đang chịu những thiệt hại không đáng có từ sự vô ý thức của một bộ phận nhỏ hành khách gây ra.

Với mong muốn mang đến trải nghiệm bay an toàn, thoải mái và tiện nghi cho hành khách, các hãng hàng không luôn chú trọng công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay cũng như các trang thiết bị trên tàu. Tuy nhiên, có không ít trường hợp các trang thiết bị này bị hư hại ngoài ý muốn do những hành động tưởng như rất nhỏ của hành khách, dẫn đến việc kế hoạch khai thác bị thay đổi để khắc phục sự cố.

Thường xuyên bị mất dây an toàn, áo phao, nhiều vật dụng khác bị rách hỏng… đã khiến các hãng hàng không “dở khóc, dở cười”.

Thường xuyên bị mất dây an toàn, áo phao, nhiều vật dụng khác bị rách hỏng… đã khiến các hãng hàng không “dở khóc, dở cười”.

Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng thất lạc dây đai an toàn. Dây đai an toàn bị mất tại vị trí ghế ngồi sau khi chuyến bay kết thúc, hoặc hành khách yêu cầu đai nối dài dây, dây an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên sau khi chuyến bay kết thúc.

Theo thống kê của Vietnam Airlines, từ đầu năm 2019 đến nay, hãng này đã chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây an toàn bị thất lạc.

Mới đây, nhà chức trách hàng không tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt) xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng đối với nữ hành khách trộm áo phao trên máy bay. Trong quá trình kiểm tra an ninh soi chiếu người và hành lý xách tay, an ninh sân bay Liên Khương phát hiện trong hành lý của một nữ hành khách có chiếc áo phao chuyên dụng trên máy bay.

Nhiều người rất ngạc nhiên vì không hiểu hành khách lấy dây an toàn, áo phao trên máy bay để làm gì, có phải vì sự ích kỷ hay tò mò cá nhân hoặc một thói quen hay “tắt mắt”?

Một vấn đề nữa luôn gây “nhức nhối” là tình trạng tắc bồn cầu trên máy bay. Hệ thống toilet máy bay không thể sử dụng được do bị kẹt các vật như cuộn giấy vệ sinh, khăn lau mặt, khăn ăn, cốc giấy, có khi là cả chai rượu mini… do hành khách thả vào.

Những "vật thể lạ" được vứt vào bồn cầu trên máy bay đã gây tắc hệ thống vệ sinh, khiến máy bay buộc phải dừng khai thác để bảo dưỡng tiến hành sửa chữa, làm sạch. Các kỹ sư, nhân viên bảo dưỡng tàu bay phải tháo lắp các bộ phận, đường ống theo quy trình kỹ thuật, buộc tàu bay dừng bay trong nhiều giờ, nặng thì phải cả tuần, ảnh hưởng đến hoạt động khai, thiệt hại về kinh tế.

Trên máy bay, khi vào buồng vệ sinh, hành khách có thể nhìn thấy một số chỉ dẫn tuy nhiên có thể nhiều khi bị hành khách bỏ qua. Những chỉ dẫn này cũng tương tự chỉ dẫn của nhà vệ sinh bình thường, song với điều kiện trên máy bay, cần được tuân thủ nghiêm ngặt.

Còn rất nhiều trường hợp khác gây thiệt hại về vật chất do sơ suất của hành khách như xước màn hình phía trước ghế ngồi, hỏng tai nghe, rách túi da đựng tạp chí... Các sự cố này đều khiến cho hãng mất nhiều chi phí và thời gian cho công tác khắc phục.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Vietnam Airlines cho biết đã thay thế gần 100 khối màn hình; thay mới, sửa chữa các túi da đựng tạp chí bị hỏng, rách do hành khách kê, gác chân, với chi phí cho mỗi chiếc túi mới theo giá của nhà sản xuất là hơn 20 triệu đồng.

Để có trải nghiệm bay an toàn và thoải mái cho chính mình cũng như những người đồng hành, hành khách có thể góp phần bằng việc sử dụng các trang thiết bị trên tàu bay theo đúng chỉ dẫn của tiếp viên và quy định của hãng hàng không qua hệ thống bảng hiệu trên tàu bay. Đối với dây đai an toàn, hành khách cần đảm bảo dây và các phụ kiện đi kèm được đặt ở đúng vị trí hoặc trả lại cho tiếp viên sau khi sử dụng.

Cùng với sự hướng dẫn của đội ngũ tiếp viên, mỗi hành động tích cực dù nhỏ nhất của hành khách cũng đều đóng góp vào sự văn minh và an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.

Xử phạt hành khách là việc “cực chẳng đã”. Bởi, với một dịch vụ vận tải hành khách văn minh, cao cấp như hàng không thì khách hàng đi máy bay cũng thường rất chọn lọc. Đa phần họ đều là người có hiểu biết, có ý thức cao. Hành vi lấy đồ hay làm hỏng bất cứ thứ gì trên máy bay là vi phạm quy định về an toàn bay, uy hiếp an toàn cho chính hành khách đó và những hành khách khác./.

CTV Trang Trịnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vietnam-airlines-chi-gan-1-ty-dong-mua-bo-sung-day-an-toan-984431.vov