Vietjet Air gặp loạt sự cố, hệ quả của tăng trưởng nóng?

Từ một hãng bay nhỏ với 3 máy bay vào năm 2011, hiện Vietjet Air đã nhanh chóng vươn mình thành ông lớn hàng không giá rẻ, mỗi năm thu trên 50.000 tỷ đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà Trường Kinh doanh Harvard (HBS), Mỹ đã đưa trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo gây dựng hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam từ con số 0 vào dự án nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến phát triển các thị trường mới nổi. Vietjet Air đã có những bước phát triển đáng mơ ước với nhiều hãng hàng không khởi nghiệp trong khu vực.

Đi theo mô hình đã được kiểm chứng của hãng hàng không AirAsia (Malaysia), tự mở ra phân khúc thị trường mới nhờ mức giá tốt, Vietjet Air đã nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường hàng không Việt Nam và hưởng lợi trực tiếp từ thị phần mới mở này.

Liên tục tăng trưởng doanh thu 2-3 con số phần trăm

Việc Vietjet Air xuất hiện cùng hình ảnh nữ tiếp viên mặc bikini đã gây nhiều tranh cãi. Tranh luận trong nước và sự tò mò của truyền thông nước ngoài đã là cú hích đầu tiên đưa hãng hàng không của bà Thảo cất cánh.

Doanh thu của Vietjet Air chỉ thực sự có bước nhảy vọt sau năm 2014. Hãng bay này ghi nhận doanh thu năm 2014 đạt 8.699 tỷ đồng, tăng trưởng 129% so với năm 2013.

Năm 2015, hãng tiếp tục ghi nhận doanh thu ấn tượng 19.845 tỷ đồng, một lần nữa giữ mức tăng trưởng thần tốc 129%.

Năm 2016 và 2017, tăng trưởng doanh thu của Vietjet Air lần lượt là 38,5% và 53,8%. Doanh thu năm 2017 của hãng đã là 42.302 tỷ đồng. Con số này khiến Vietjet Air tự tin với kế hoạch doanh thu năm 2018 ở mức 50.970 tỷ đồng và hoàn toàn có khả năng về đích.

Dù chưa có thống kê chính thức về thị phần, nhiều đơn vị về tài chính đã nhận định thị phần của Vietjet Air lấn lướt hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ năm 2017. Theo BVSC, thị phần của Vietjet Air hiện ở mức trên 42% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

"Trước khi chúng tôi gia nhập thị trường, chỉ 1% dân số Việt Nam tiếp cận hàng không, và vé máy bay được xem là đắt đỏ và chỉ dành cho người giàu", HBS dẫn lời bà Thảo. Không chỉ phát triển thị trường, theo nữ tỷ phú USD của Việt Nam, hãng của bà đã đào tạo những người lần đầu đi máy bay cách mua vé, chuẩn bị các giấy tờ cũng như việc ký gửi hành lý ra sao, tạo nhóm khách hàng mới. Theo bà, việc phát triển hãng đã giúp mở rộng các quy định liên quan đến ngành, giúp hàng không Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại.

Áp dụng tốt mô hình của AirAsia, tới năm 2018, tổng vốn hóa thị trường của Vietjet Air chính thức vượt qua hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng tới từ Malaysia để trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á về giá trị trên thị trường chứng khoán.

Đội bay ngày càng đông đúc

Việc Vietjet Air liên tục đặt mua hàng trăm máy bay các loại từ Airbus và Boeing không chỉ đơn thuần để thực hiện sales and leaseback. Một phần nhỏ trong số máy bay này được hãng sử dụng để phát triển đội bay và thành quả là 61 chiếc máy bay A320 và A321 cả thuê và sở hữu, rất mới với tuổi trung bình khoảng 3 năm tuổi theo số liệu từ Planespotter.

Từ con số 3 máy bay vào cuối năm 2011, tới cuối năm 2018, con số máy bay của Vietjet Air đã tăng 20 lần. Số lượng máy bay của hãng tăng dần qua các năm và năm sau luôn nhiều máy bay hơn năm trước.

Thậm chí, số lượng máy bay trong đội bay của Vietjet Air đã tăng gấp đôi sau năm 2014, tăng gấp 1,5 lần sau năm 2015. Hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo liên tục phải biên chế thêm máy bay cả từ nguồn đi thuê và nguồn đi mua để phục vụ tăng trưởng nóng.

Nhiều sự cố có phải do tăng trưởng quá nhanh?

Chia sẻ với Zing.vn sau những sự cố liên tiếp xảy ra với những chuyến bay của Vietjet Air, cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng hãng hàng không rõ ràng đang gặp vấn đề.

Phi công kỳ cựu này cho rằng Vietjet Air phải chỉnh đốn, rà soát lại chất lượng phi công, hệ thống kỹ thuật cũng như công tác điều hành. Ông cũng cho rằng đã đến lúc Cục Hàng không Việt Nam phải có những yêu cầu cụ thể, sát sao hơn với hãng.

Chuyên gia cho rằng khó có thể khẳng định mối liên hệ giữa việc Vietjet Air phát triển nóng và những sự cố liên tiếp gần đây của hãng. Ảnh: Ngô Minh.

Chuyên gia cho rằng khó có thể khẳng định mối liên hệ giữa việc Vietjet Air phát triển nóng và những sự cố liên tiếp gần đây của hãng. Ảnh: Ngô Minh.

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không, TS. Nguyễn Thiện Tống, lại không cho rằng vấn đề nằm ở việc Vietjet Air tăng trưởng quá nóng. Nói với Zing.vn, TS. Tống cho rằng việc khẳng định Vietjet Air phát triển nhanh có mối liên hệ với những sự cố liên tiếp xảy ra là thiếu căn cứ.

"Một hãng hàng không phát triển không nóng nhưng vẫn có thể xảy ra những việc tương tự. Nếu cho rằng giảm phát triển nóng thì không còn các sự cố cũng không đúng", ông Tống nói.

Ông cho rằng việc phát triển nóng thì hãng phát triển theo nhu cầu, theo phương tiện. Hãng có máy bay, tuyển dụng được nhân sự, nhân lực đáp ứng được thì phát triển thôi. Hệ quả của phát triển nóng có thể nhìn thấy ở tỷ lệ chậm chuyến cao, bởi nó liên quan đến việc xoay vòng nhanh quá mà thực tế không đáp ứng kịp.

Việc Vietjet Air liên tiếp xảy ra sự cố, theo ông Tống, có 2 khả năng: một là đây là các sự cố ngẫu nhiên, với nhiều vấn đề khác nhau diễn ra liên tiếp; và hai là không loại trừ "có gì đó không ổn" trong hoạt động của Vietjet Air.

"Vẫn cần phải có thêm thông tin kỹ thuật đầy đủ để đánh giá toàn diện về các sự cố vừa qua của hãng", ông Tống nói.

Dù nguyên nhân là gì, chuyên gia hàng không nhấn mạnh hãng Vietjet "phải chấn chỉnh lại hoạt động vì đây là thị trường cạnh tranh... Các sự cố tạo ấn tượng không hay về hãng thì số khách hàng cũng có thể giảm và chuyển sang hãng khác".

Chuyên gia hàng không cũng lưu ý dù dư luận quan tâm về các sự cố vừa qua thì hàng không vẫn là phương tiện đi lại an toàn nhất.

Từ sau tai nạn duy nhất (tai nạn xảy ra năm 1992 của chuyến bay VN-474 được thực hiện bởi máy bay Yakovlev Yak-40), Việt Nam bỏ hết máy bay cũ và chuyển sang sử dùng các tàu bay hiện đại của phương Tây thì chưa có một tai nạn hàng không dân sự nào gây chết người.

Việc Cục hàng không có biện pháp về mặt quản lý, theo ông Tống, là điều tốt, "Biện pháp này vừa cần thiết, vừa tốt cho cả Vietjet Air. Việc có cơ quan nhà nước giám sát cũng một mặt giúp Vietjet Air chấn chỉnh nếu như hãng có trách nhiệm nào đó trong các sự kiện vừa qua".

Trước đó, sau những sự cố liên tiếp của Vietjet Air, đặc biệt là sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh, Cục Hàng không quyết định đình chỉ tổ bay VJ689 để phục vụ công tác điều tra, đồng thời đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của hãng bay liên quan đến việc khai thác.

Về phía hãng hàng không Vietjet Air, Cục quyết định dừng tăng chuyến để rà soát đánh giá lại vấn đề khai thác sau hàng loạt sự cố hàng không của hãng này trong thời gian qua. Đồng thời thực hiện giám sát đặc biệt với VietJet tại 4 cảng hàng không quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.

Ngô Minh - Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vietjet-air-gap-loat-su-co-he-qua-cua-tang-truong-nong-post903620.html