VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 tăng 7 lần so với năm 2019

Từ mức lợi nhuận hơn 13 tỷ đồng năm 2019, VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 tăng gần 7 lần lên mức 105 tỷ đồng.

VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 tăng 7 lần so với năm 2019. (Ảnh minh họa)

VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 tăng 7 lần so với năm 2019. (Ảnh minh họa)

Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua định hướng kinh doanh của công ty giai đoạn 2019-2023.

Theo đó VietCredit dự kiến tổng tài sản của công ty năm 2020 sẽ đạt 5.111 đồng, năm 2021 là 6.740 tỷ đồng và đến năm 2023 sẽ lên con số 9.816 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 687 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 1.100 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023.

VietCredit cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2020 đạt gần 1.372 tỷ đồng, đến năm 2023, con số này là 3.304 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt 181%, 52%, 29% và 23% theo các năm từ 2020 đến 2023.

Năm 2020, VietCredit đặt kế hoạch dư nợ thẻ vay là 4.053 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối năm 2019 (1.930 tỷ đồng). Dư nợ thẻ vay của VietCredit sẽ tăng hơn 2 lần nữa đến năm 2023 đạt khoảng 9.550 tỷ đồng.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của VietCredit đạt khoảng 13,3 tỷ đồng. Công ty này tham vọng năm 2020 sẽ đạt lợi nhuận 45 tỷ đồng, năm 2021 là 61 tỷ đồng, năm 2022 là 82 tỷ đồng và đến năm 2023 đạt khoảng 105 tỷ đồng.

VietCredit có tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và được thành lập vào ngày 5/9/2008. CFC được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên thành Công ty tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) từ ngày 18/6/2018.

Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này rất được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vicem còn có Vietcombank (nắm 10,91% vốn điều lệ năm 2017), Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 10,99% vốn năm 2015 và 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 3 pháp nhân trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem hiện đang nắm 15% vốn điều lệ và Công ty Siêu Thanh Hà Nội nắm lượng cổ phần không đáng kể, chỉ tương đương 0,07%. Gần 85% vốn điều lệ của VietCredit hiện do cổ đông thể nhân nắm giữ.

Anh Phan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vietcredit-len-ke-hoach-loi-nhuan-nam-2023-tang-7-lan-so-voi-nam-2019-20180504224233280.htm