Vietcombank hơn 3 năm 'nhọc nhằn' khởi kiện đòi nợ doanh nghiệp

Cho rằng doanh nghiệp đang cố tình 'dùng chiêu' để câu giờ 'né' trả nợ, Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi gửi đơn cầu cứu đến TANDTC. Trong đó, ngân hàng cho rằng, việc hàng chục lần phiên tòa sơ thẩm phải hoãn và kéo dài hơn 3 năm qua đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị này.

Theo nội dung vụ việc, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho Công ty TNHH Mỹ Thịnh (đóng tại Cụm Công nghiệp làng nghề Đồng Dinh, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi chấp thuận cho vay hàng chục tỷ đồng.

Sau thời gian trả nợ cầm chừng, Công ty Mỹ Thịnh không tiếp tục trả nợ, dẫn đến nợ quá hạn kéo dài. Số tiền doanh nghiệp này bị Vietcombank khởi kiện yêu cầu trả nợ là 7,3 tỷ đồng; trong đó nợ gốc 6,9 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 278 triệu đồng và nợ lãi quá hạn 113 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm số 01/2017/KDTM-ST ngày 15/5/2017 của TAND huyện Nghĩa Hành chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vietcombank và buộc Công ty TNHH Mỹ Thịnh do ông Huỳnh Đỗ Diệp làm Giám đốc (vắng mặt) có nghĩa vụ trả nợ số tiền 7,3 tỷ đồng.

Bảng hiệu Công ty Mỹ Thịnh nằm ẩn bên cỏ dại, ông Huỳnh Đỗ Diệp để cho con gái hoạt động trên cơ ngơi của mình

Bảng hiệu Công ty Mỹ Thịnh nằm ẩn bên cỏ dại, ông Huỳnh Đỗ Diệp để cho con gái hoạt động trên cơ ngơi của mình

Điều đáng nói, 4 lần TAND huyện Nghĩa Hành ra thông báo xét xử, ông Huỳnh Đỗ Diệp đều gửi đơn xin hoãn phiên tòa với lý do nhập viện điều trị tại Khoa nội nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành. TAND huyện xác minh cho thấy, ông Diệp nhập viện lúc 9h30 ngày 18/4/2017 nhưng đến 16h30 cùng ngày bỏ trốn khỏi bệnh viện. Lúc 8h ngày 19/4/2017, bác sĩ không thấy ông Diệp và cho xuất viện lúc 8h30 ngày 19/4/2017. Trong khi đó, phiên xét xử lần 2 đúng vào ngày 19/4/2017 nhưng phải hoãn phiên tòa.

Vẫn lấy lý do nhập viện để né tránh tham gia xét xử, phiên tòa sơ thẩm lần thứ 4 vào ngày 15/5/2017 tiếp tục bị hoãn vì ông Diệp thông báo nhập viện ở bệnh viện khác. Xác minh tại Khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, ông Diệp đến bệnh viện chụp CT bình thường, tình trạng bệnh không đến mức nhập viện nhưng ông Diệp yêu cầu cho nằm viện.

Tuy nhiên, lúc 9h ngày 15/5/2017, ông Diệp không có mặt ở bệnh viện và hồ sơ bệnh án thể hiện bệnh nhân tỉnh táo. Đến phiên tòa lần thứ 5, ông Huỳnh Đỗ Diệp tiếp tục vắng mặt, TAND huyện Nghĩa Hành tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và ra Bản án sơ thẩm số 01/2017/KDTM-ST ngày 15/5/2017 như trên.

Bị đơn kháng cáo. Ngày 10/8/2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm tuyên hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2017/KDTM-ST của TAND huyện Nghĩa Hành vì sai sót trong thủ tục tố tụng và xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 4/10/2017, TAND huyện Nghĩa Hành thông báo thụ lý vụ án sơ thẩm (lần 2), đến nay phiên tòa sơ thẩm này chưa đưa ra xét xử. Hành trình hơn 3 năm qua, phiên tòa sơ thẩm liên tục bị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 3 lần (bổ sung tài liệu, chứng cứ), gia hạn thời gian 2 lần (vụ án có tính chất phức tạp), tạm ngừng phiên tòa 3 lần (xác minh, bổ sung tài liệu), hoãn phiên tòa 10 lần (bị đơn và người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt).

Đại diện Vietcombank cho rằng, lúc vay vốn chỉ đứng tên bên vay và bên có nghĩa vụ liên quan chỉ duy nhất Công ty TNHH Mỹ Thịnh do ông Huỳnh Đỗ Diệp làm Giám đốc. Nhằm hợp thức hóa để kéo dài vụ án, bất ngờ xuất hiện thêm các doanh nghiệp liên quan là Công ty TNHH gỗ Hùng Diệp (bà Huỳnh Thị Kim Quỳnh làm Giám đốc), Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn (bà Trịnh Thị Trúc làm Giám đốc, nay chuyển thành ông Huỳnh Đỗ Chính làm Giám đốc). Cả 2 doanh nghiệp này bị kéo vào vụ án đều là con ruột của ông Huỳnh Đỗ Diệp và nằm cùng địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh.

Hàng chục lần hoãn phiên tòa gây bức xúc các đơn vị tư pháp và nguyên đơn Vietcombank Quảng Ngãi

Theo các tình tiết nêu trên, rõ ràng ông Huỳnh Đỗ Diệp không thuộc trường hợp bất khả kháng hay trở ngại khách quan (không bị bệnh trầm trọng phải nằm viện). Đồng thời, thể hiện trong 3 Hợp đồng tín dụng (số 0423/12/NHNT.QNg ngày 7/12/2012, số 0127/15/NHNT.QNg ngày 2/6/2015 và số 037/16/NHNT.QNg ngày 27/5/2016) và 2 Hợp đồng thế chấp (số 027/HĐTC-QNg ngày 24/2/2011 và số 0142/NHNT-QNg ngày 24/11/2014) giữa Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi và Công ty TNHH Mỹ Thịnh, không thể hiện bất kể doanh nghiệp khác có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong khi đó, Công ty TNHH gỗ Hùng Diệp thành lập ngày 10/6/2009 và Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn thành lập ngày 25/7/2014. Việc đưa 2 doanh nghiệp này vào vụ án có quyền và nghĩa vụ liên quan, cần xem xét có cần thiết hay không?

Từ cơ sở thực tế, nguyên đơn và bị đơn đều có mối quan hệ pháp luật, quan hệ tài chính, địa chỉ đã rõ ràng, phù hợp Khoản 1 Điều 317 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 320 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đề cập đến trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì HĐXX vẫn tiến hành phiên tòa.

Điều đáng nói ở đây, gần nhất vào ngày 26/12, phiên tòa tiếp tục hoãn vì bà Huỳnh Thị Kim Quỳnh (Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hùng Diệp) tiếp tục nhập viện đúng ngày xét xử. Trước đó, ngày 20/12 cũng hoãn phiên tòa với giấy khám bệnh của ông Huỳnh Đỗ Chính (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn). Cả gia đình 3 cha con ông Huỳnh Đỗ Diệp thay phiên nhau nhập viện mỗi khi đến ngày xét xử.

Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng doanh nghiệp này đang thay nhau dùng việc nhập viện để làm chiêu bài “lách luật” nhằm kéo dài việc giải quyết vụ việc? Liên quan đến vụ việc này, dư luận đang chờ phiên tòa sớm thực thi phù hợp quy định pháp luật và các Nghị quyết hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

Dương Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/vietcombank-hon-3-nam-nhoc-nhan-khoi-kien-doi-no-doanh-nghiep-32544.html