Việt Yên: Gác việc nhà, hỗ trợ phòng dịch

Xã Thượng Lan (Việt Yên) hiện có hơn 250 trường hợp đang cách ly tập trung tại 3 cơ sở giáo dục là Trường Mầm non, tiểu học và Trường THCS xã. Ngay khi đưa khu cách ly vào hoạt động, tổ hậu cần tình nguyện nhanh chóng thành lập, bảo đảm cung cấp bữa cơm hàng ngày cho công dân và cán bộ các chốt làm nhiệm vụ chống dịch.

9 giờ sáng 13/6, không khí làm việc tại khu bếp “dã chiến” đặt ở trụ sở UBND xã Thượng Lan rất khẩn trương, tích cực. Gần 20 người đang chia nhau từng phần việc như nhặt rau, sơ chế chuẩn bị bữa trưa cho công dân đang cách ly tập trung.

Theo ông Dương Văn Nam, Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch xã Thượng Lan, những ngày đầu, bếp ăn nấu tại khu cách ly nhưng sau này, lượng người cách ly, phục vụ tăng nên để bảo đảm hậu cần chu đáo, xã thành lập bếp ăn tình nguyện tại UBND xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách. Thiếu về nhân lực, khó về cơ sở vật chất nhưng may mắn đã có nhiều người dân trong vùng “an toàn” có kinh nghiệm nấu ăn xung phong tham gia.

Bếp trưởng Nguyễn Ngọc Quân (SN 1986) vốn có nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nhà. Khi dịch bùng phát, cửa hàng tạm thời đóng cửa, cũng là lúc địa phương gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho công tác hậu cần tại các khu cách ly. Thấy vậy, anh Quân tình nguyện mang theo toàn bộ đồ nghề gồm: Tủ hơi nấu cơm, bếp ga công nghiệp, xoong nồi, chảo, dao, thớt… phục vụ công tác hậu cần.

Đầu bếp Nguyễn Ngọc Quân chế biến các món ăn.

Đầu bếp Nguyễn Ngọc Quân chế biến các món ăn.

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động hội viên các thôn sắp xếp việc nhà đến hỗ trợ nên tại đây ngoài 5-7 đầu bếp chính còn có 10 chị em phụ giúp các công đoạn chuẩn bị.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bếp thực hiện quy trình một chiều, từ khâu tiếp nhận thực phẩm đến chế biến, đưa lên bàn ăn; lưu mẫu các suất ăn 24 giờ theo quy định. Ngoài rau xanh, bí đỏ, bí xanh, lạc… do nhân dân địa phương ủng hộ, còn có thực phẩm tươi như cá, thịt do UBND xã đặt mua từ một đơn vị cung cấp rõ nguồn gốc.

Công việc luôn tay từ 6 giờ đến 19 giờ hằng ngày, dù không có thù lao nhưng khi đến đây, mọi người đều sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ cho cuộc chiến chống dịch tại địa phương.

Thức ăn được chuẩn bị chu đáo.

Cùng với bếp trưởng, Tổ hậu cần còn có bà Dương Thị Biên (SN 1962), anh Nguyễn Ngọc Khiểm (SN 1992) thường xuyên có mặt hỗ trợ. Gia đình chị Giáp Thị Hòa (SN 1984), anh Đỗ Văn Đắc cùng con gái 18 tuổi cũng luôn có mặt. Những suất cơm được lên thực đơn từ ngày hôm trước với đầy đủ các món, bảo đảm cân đối dinh dưỡng, ngon miệng, hợp vệ sinh và được thay đổi thường xuyên.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cứ 3 ngày, thành viên tổ hậu cần lại được xét nghiệm virus SARS - CoV - 2. Ngoài ra xã phát tờ rơi gửi vào các phòng cách ly để công nhân kịp thời phản ánh mọi thông tin đến ban chỉ đạo, kịp thời điều chỉnh, khắc phục khó khăn công tác phục vụ, nhất là chất lượng bữa ăn.

Các suất cơm được chuẩn bị để chuyển đến khu cách ly.

Tuy công việc vất vả, khó khăn nhưng với các thành viên tổ hậu cần, phần thưởng quý giá nhất chính là sự công nhận và ngon miệng của những "thực khách" sau khi ăn những phần cơm do mọi người chuẩn bị. Những suất cơm chính là tấm lòng, sự sẻ chia, tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng chung tay của người dân, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Bài, ảnh: Mai Toan - Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/362166/viet-yen-gac-viec-nha-ho-tro-phong-dich.html