Viết về những người 'vấp ngã': Thành tâm để thành công (*)

'Ai không một lần vấp ngã?', 'Ai cũng có mầm thiện trong tâm hồn, cho dù là phạm nhân đang chịu án phạt tù!'. Đây là suy nghĩ, là quan điểm của tôi khi viết về những con người từng một thời lầm lỡ, vi phạm pháp luật. Và càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra rằng, đằng sau nhiều con người tưởng chừng khó hoàn lương, khó thay đổi ấy, lại có nhiều 'góc khuất', mà chỉ cần những lời động viên chân thành, những cái vỗ vai nhè nhẹ, những nụ cười hiền hòa, là có thể làm mềm hóa những tâm hồn chai sạn. Đó cũng là lý do tôi thường chọn những đề tài liên quan đến an ninh trật tự để thực hiện trong thời gian qua.

Thay đổi góc nhìn

Khi tiếp xúc, nghe những người cai nghiện ma túy chia sẻ, tôi thấy rằng, mỗi người tìm đến với ma túy đều mang một nỗi niềm. Có người bị bạn bè rủ rê, có người đua đòi, muốn thử cho biết rồi nghiện luôn; nhưng cũng có người bị vợ/chồng/người yêu phụ bạc dẫn đến chán nản rồi “giải sầu” bằng ma túy. Do đó, mỗi lần viết về họ, tôi luôn cố gắng tìm ra những góc khuất ấy, để một mặt giúp mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về hoàn cảnh, tâm trạng của họ. Từ đó không có thái độ kì thị, xa lánh, mà giúp đỡ họ vượt qua. Mặt khác góp phần động viên, khích lệ họ cố gắng mỗi ngày để vươn lên, làm lại cuộc đời.

 Các phạm nhân ở Trại giam An Phước (C10, Bộ Công An) chăm sóc vườn hoa

Các phạm nhân ở Trại giam An Phước (C10, Bộ Công An) chăm sóc vườn hoa

Tương tự, khi đến với những trại giam, viết về những người đang chịu án phạt tù vì những hành vi phạm pháp, phía sau những song sắt, tôi nhận thấy rất nhiều người trong số họ đang vô cùng ăn năn hối lỗi, cố gắng nỗ lực cải tạo để được nhận sự khoan hồng của pháp luật, trở về làm lại cuộc đời. Tôi đã được đọc hàng chục lá thư của phạm nhân gửi về các gia đình có người bị hại để xin lỗi khi thực hiện phóng sự tài liệu về Phong trào viết thư gửi lời xin lỗi do Bộ Công an phát động trong các trại giam. Có người viết cho bố, mẹ người bị hại đã chết. Có người viết cho cơ quan, đơn vị cũ xin lỗi vì mình mà ảnh hưởng đến uy tín đơn vị. Lại có người gửi thư xin lỗi cha, mẹ vì sự bất hiếu… Mỗi lá thư là mỗi tâm tư, song đều chất chứa sự ăn năn, hối hận, cùng với những khát khao được làm lại cuộc đời… Tôi và các đồng nghiệp cũng đã khóc khi phỏng vấn những nữ phạm nhân vì hoàn cảnh, phải đem con vào trại. Để rồi sau 36 tháng, con của họ phải về với gia đình, mà ở đó chỉ còn mẹ già nghèo khó; thậm chí có hoàn cảnh phải đến trung tâm bảo trợ xã hội vì gia đình không còn ai. Và tôi nhận ra rằng, những “mầm thiện” trong tâm hồn họ đang “nảy nở”. Trách nhiệm của tôi và các đồng nghiệp phải góp phần “tưới nước”, “vun trồng”, “cho ánh sáng” để những “mầm thiện” ấy nảy nở, phát triển, vươn cao, để cho ra xã hội những “cây thiện lương” mới.

Thành công nhờ sự thành tâm

Trong nhiều năm làm báo, tôi cùng với các đồng nghiệp có nhiều tác phẩm liên quan đến đề tài về an ninh trật tự được Ban biên tập BPTV, Hội đồng giải báo chí tỉnh Bình Phước, … đánh giá cao. Tôi cho rằng, những thành công ấy trước hết là sự thành tâm. Thực hiện các đề tài “gai góc” như ma túy, HIV/AIDS hay viết về các phạm nhân… khó mà dễ. Chỉ cần mình thật tâm, nghiêm túc và thành ý là có thể khai thác được thông tin từ phía họ; đồng thời sẽ có nhiều câu chuyện nhân văn để viết và chuyển đi những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống.

Phạm nhân ở Trại giam An Phước (C10, Bộ Công An) đọc sách tại thư viện của đơn vị

Phạm nhân ở Trại giam An Phước (C10, Bộ Công An) đọc sách tại thư viện của đơn vị

Có một điều cần lưu ý rằng, khi trao đổi lấy thông tin, chúng ta đừng bao giờ hỏi họ bằng những câu hỏi gây sốc, đừng dùng những câu từ mang tính điều tra, bởi họ đã luôn ám ảnh với những câu hỏi như thế. Và cũng đừng bao giờ lấy cái quyền của một nhà báo để ép họ phải trả lời. Chúng ta sẽ không nhận được những câu trả lời thật nhất! Hãy trong vai là những người hiểu chuyện, tìm đến họ bằng sự sẻ chia, muốn nắm rõ hơn thông tin. Đặc biệt, không nên có những hành vi, cử chỉ khiến họ cảm thấy bị miệt thị, bị tra khảo. Thậm chí, ở phút giây nào đó, nhà báo phải đặt mình vào vị trí những người như thế để lắng nghe và thấu hiểu và giúp họ nhận ra rằng: Dù trong hoàn cảnh nào, hãy cố gắng vươn lên, để biến bóng tối cuộc đời hôm nay thành ban mai rực rỡ. Và tôi nghĩ, làm được như vậy, tâm hồn mình sẽ thanh thản hơn.

(*) Tâm sự nghề nghiệp của một nhà báo (TS)

Lệ Quyên - Ảnh: Ngọc Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/145301/viet-ve-nhung-nguoi-vap-nga-thanh-tam-de-thanh-cong