Viết về anh, người đồng nghiệp áo cam

Tôi, một người đồng nghiệp viết về các anh với những cảm xúc của mình, thấu hiểu những vất vả nhọc nhằn in hằn trên khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì dãi nắng dầm mưa vì dòng điện thông suốt phục vụ người dân.

 Bữa cơm trưa dưới bóng cây tại công trường của những người thợ điện

Bữa cơm trưa dưới bóng cây tại công trường của những người thợ điện

Tôi bước chân vào ngành điện đã được bảy năm, một bước ngoặt khác trong cuộc đời, với một môi trường hoàn toàn mới, tôi gia nhập vào đại gia đình PC Đắk Nông và công tác tại Điện lực Đăk R’Lấp. Đây là nơi tôi đang nỗ lực từng ngày cho công việc, nơi tôi gặp gỡ và học hỏi được thêm nhiều điều mới từ những người đồng nghiệp. Bảy năm, thời gian đủ để tôi hiểu được nhiều điều mà những người ngoài ngành sẽ không bao giờ hiểu hết được, đó là những vất vả, những nhọc nhằn, những hi sinh đánh đổi mà các anh những người lính áo cam đã trải qua, một công việc thầm lặng mà nhiều người tưởng như rất đơn giản. Chỉ những người trong ngành mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn và vô cùng nguy hiểm để giữ cho nguồn điện luôn bảo đảm, thắp sáng mọi miền quê.

Trước khi vào ngành, ấn tượng ban đầu của tôi về các anh là những người thợ điện có những khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió. Đã vậy, các anh còn khoác lên mình bộ quần áo mang một sắc cam chói chang. Đến khi được là đồng nghiệp của các anh, tôi hiểu rằng, các anh không chỉ như những ấn tượng ban đầu mà tôi cảm nhận được, các anh còn là những người thợ điện vui vẻ, yêu đời, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác và luôn nhiệt huyết với công việc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các anh thợ điện đang công tác giữa trời nắng

Một ngày cuối tuần, chúng tôi những nhân viên văn phòng được đơn vị điều đi tăng cường cùng với Đội, hỗ trợ các anh công nhân trong công tác thay công tơ điện tử. Kế hoạch được phân chia theo nhóm cụ thể, công việc của bộ phận hỗ trợ là phụ trợ vận chuyển công tơ mới tới vị trí trụ cần thay và gom công tơ cũ đã thay xong. Đi cùng các anh vào một ngày nắng, tôi một nữ nhân viên văn phòng ít dãi nắng dầm mưa, nay lại cùng các anh đi ngoài trời nắng nóng, những giọt mồ hôi nhễ nhãi, khăn mũ đội kín mít. Vậy mà các anh, giữa cái nắng chói chang ấy, các anh vẫn miệt mài làm việc trên các trụ điện, từng giọt mồ hôi trên trán tuôn như mưa, màu áo cam lúc ban đầu đã chuyển màu trên lưng vì mồ hôi ướt đẫm. Cảm xúc trong tôi lại ùa về khi nghĩ về những vất vả của các anh, trong khi mà các anh chị em văn phòng chúng tôi đang bộn bề với hồ sơ, sổ sách, với những kế hoạch, chiến lược tại phòng làm việc thì ngoài kia, dưới tiết trời nắng chói chang, đầy gió và cát bụi bù mịt, thì các anh vẫn miệt mài, nhiệt huyết, hết mình phục vụ tận tâm, tận nơi với khách hàng. Tôi lại cảm thấy thương các anh nhiều hơn.

Ngày hôm đó, khi anh Đặng - một người đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm với công việc đang thực hiện thay công tơ tại một trụ, tôi thấy có vài ba con ong bay bay gần đó. Anh vẫn trèo lên và thay, rồi số lượng ong càng ngày càng nhiều hơn, và tôi thấy anh xuống và lấy trong túi đựng dụng cụ lao động ra một bình xịt, đuổi bầy ong đi rồi tiếp tục công việc. Anh Đặng nói: “Thỉnh thoảng lại gặp bầy ong làm tổ trong trụ điện, bọn anh cũng quen rồi nên trong túi đồ nghề của tụi anh đã có sẵn bình xịt đuổi chúng đi”. Cũng vì lý do đó, mặc dù có đề phòng sẵn, ấy vậy mà thỉnh thoảng có vài người đồng nghiệp của tôi vẫn bị ong chích cho sưng hết cả mặt mũi. Việc ấy trở nên bình thường đến nỗi mà mỗi lần chúng tôi thấy vậy lại nhìn các anh phì cười chứ không màng hỏi các anh là sao lại bị vậy nữa. Anh Đặng nói tiếp: “Không chỉ mỗi ong thôi đâu, thỉnh thoảng anh còn gặp rắn nằm cuộn trong thùng công tơ nữa cơ !”. Thợ điện là nghề vất vả, luôn đối diện với những hiểm nguy vô hình khi thực hiện nhiệm vụ, ấy vậy mà xung quanh còn có những mối nguy hiểm khác có thể tấn công các anh trong lúc làm nhiệm vụ nữa. Vậy mà, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết yêu nghề, các anh vẫn giữ vững niềm tin, hết mình với công việc hàng ngày.

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi được anh đội trưởng thông báo ghé quán cơm ăn trưa, nghỉ chút rồi hẵng tiếp tục làm. Một quán nhỏ trong thôn, sạch sẽ nhưng cũng vắng khách. Anh Lợi, Đội trưởng nói: “Cũng may hôm nay làm khu vực này còn có quán này ghé ăn cơm, chứ có những khu vực vào sâu hơn, dân cư thưa thớt hơn thì không có quán ăn nào cả đâu, nhiều khi bọn anh đi làm hoặc là mang theo thức ăn sẵn để trưa ăn, hoặc là trưa một người chạy đi cả mấy cây số mới mua được cơm mang vào cho cả nhóm. Còn có khi xa quá thì toàn đội gắng làm xuyên trưa, cố gắng hoàn thành việc sớm để nghỉ rồi đi ra ngoài khu vực đông dân mới có cơm để ăn cơ”. Nghĩ mà thấy thương các anh vô cùng, công việc thì vất vả như thế, lại nguy hiểm, vậy mà đến bữa cơm trưa khi thì mang theo nguội ngắt, khi thì nhịn, gắng làm xuyên trưa để xong sớm, khi thì bữa cơm hộp ngay tại công trường, dưới bóng cây. Các anh thật vất vả quá!

Rồi khi mùa mưa tới, Đắk Nông là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài và giông sét nhiều. Công nhân điện lực ở các huyện vùng sâu vùng xa thì lại càng vất vả nhiều hơn. Những nẻo đường đầy cát bụi vào mùa nắng gió thì bây giờ lại trở nên lầy lội, trơn trượt, đầy bùn và đất vàng hòa. Những vất vả, nguy hiểm lại càng tăng lên. Mùa mưa tới, những chiếc xe của những người dân nơi đây phải lắp thêm xích sắt bọc quanh bánh xe để tăng ma sát, để hạn chế sa lầy thì các anh, những chiến sĩ áo cam ấy cũng vậy, cũng đầu tư thêm cho “con ngựa chiến” của mình những bộ áo giáp để phù hợp hơn, để đi lại đỡ sa lầy, trơn trượt hơn. Thậm chí, có khi các anh phải đẩy xe hoặc “cuốc bộ” cả mấy cây số mới tới nơi thực hiện nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ, các anh luôn tìm mọi cách không quản ngày đêm vẫn sẵn sàng phục vụ, tận tụy sửa chữa và xử lý sự cố về điện để mang lại ánh sáng cho mọi nhà.

Gian nan người thợ điện vùng sâu khi mùa mưa tới

Với nhiệm vụ chính là những người công nhân vận hành, quản lý đường dây và trạm biến áp. Không thể tránh khỏi những sự cố bất ngờ xảy ra, các anh luôn trong tinh thần sẵn sàng nhận lệnh xử lý sự cố 24/24 giờ hàng ngày, không quản ngày hay đêm, không quản mưa hay nắng. Một lần, tôi ngồi tâm sự với chị Lê Thị An, vợ anh Đặng Văn Đức, đồng nghiệp cơ quan tôi, chị An bộc bạch: “Khi vừa kết hôn chị vẫn không sao tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi thường xuyên phải lủi thủi một mình ở nhà. Dần dần phải làm quen với công việc vất vả và không có giờ giấc cố định của anh. Thỉnh thoảng, anh cũng được có một ngày nghỉ để cùng chị đi gặp gỡ gia đình, bạn bè và đối với chị nó vô cùng quý giá. Nhưng niềm vui đơn giản ấy có lúc cũng không được trọn vẹn vì trong lòng chị lúc nào cũng hồi hộp bởi chỉ cần có một cú điện thoại báo sự cố lưới điện là anh lại nhanh chóng chạy ngay ra chỗ làm, kể cả khi cả nhà vừa dọn cơm ra mà chưa kịp ăn”.

Các anh là như vậy đó, với tinh thần nhiệt huyết trong công việc và nắm giữ sứ mệnh cao cả nên dù chỉ xyar ra 1 sự cố nhỏ nhưng các anh xử lý nhanh nhất để đóng điện kịp thời cho bà con và giảm thiểu tối đa thời gian mất điện. Mặc dù cực nhọc nhưng nhiều lúc anh em công nhân điện lực được bà con trong thôn thông cảm, tin tưởng và đó chính là niềm động lực để các anh hoàn thành tốt công việc của mình. Vì thế, hình ảnh người công nhân điện lực trong màu áo cam có lẽ đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Dù trong cái nắng cháy da hay mùa mưa bão triền miên, dù tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể nguy hiểm đến tính mạng, song các anh vẫn âm thầm cống hiến, cố gắng nỗ lực vượt qua những nhọc nhằn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những nhiệt huyết ấy vẫn luôn hiện diện trong các anh, bởi trong tim các anh một "dòng điện thanh xuân" đang vận hành.

Trà Giang (EVNCPC)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-ve-anh-nguoi-dong-nghiep-ao-cam-575210.html