Viết trước giao thừa

Chưa viết được câu thơ nào đã hết một năm

Sự mệt mỏi áo cơm hay nỗi nhọc nhằn danh lợi?

Tôi không thể rành mạch giữa dại khôn xô đẩy

Thị phi cõi người lắm lúc cũng bất phân

Đành phải tin lộc non ngơ ngác đầu cành

Đành phải tin cơn gió quê nhà xa lắc

Đành phải tin bàn chân thăm thẳm cuối đông

Nhân loại mỗi ngày thêm bao nhiêu tiếng khóc chào đời

Mùa xuân chia lại buồn vui trên mặt đất

Làm sao giấu đi cái nhìn ngần ngại Tết

Tôi dự phần bằng im lặng chiếc lá nửa khuya!

LÊ THIẾU NHƠN

Tết của người công nhân góa phụ

Chị cầm tháng lương nép vào bóng đêm

Ngoài kia những vì sao giật mình trở giấc

những bước chân âm thầm tháng chạp

gọi nhau về sau tiếng kẻng tăng ca

Chị ước bầu trời không có những mùa đông

Cho những đứa con thơ đừng đòi mua áo ấm

Cho bà mẹ gầy còm đêm sương ướt đẫm

những chén cơm run rẩy phía sau ngày

Tiếng kẻng mùa này không chứa nổi giấc mơ

Sau buổi tan ca chị nghe âm vang từ quê nghèo réo rắt

những tấm áo đàn con se thắt

cái tết nghèo - giá trị thặng dư

Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông

Nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo

Nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo

với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang.

Phùng Hiệu

Thơ cho ngày heo may

Em ạ chúng mình không trẻ nữa

Mùa đã đi trên những ngón gầy

Em ạ mùa thu vàng chút nữa

Đời ai rồi cũng heo may

Em ạ ngày rồi qua như gió

Tiếng thác xưa đổ ở cuối đèo

Cơn mộng có về ngang tình cũ

Dấu yêu rồi cũng sẽ xanh rêu

Em ạ anh không còn nhớ nữa

Trăm cơn say đã lạc dấu hài

Cứ ngỡ lòng không yêu nữa

Sao lòng vẫn cứ ban mai?

Anh đa tình từ khi mới lớn

Nên thất tình đủ nặng hai vai

Em đẹp từ năm mười sáu

Đa đoan cũng đủ một đời

Em ạ mình không trẻ nữa

Tháng năm như nước qua cầu

Nhớ thương như là nước mắt

Sẽ về xoa dịu tim đau?

Nguyễn Đức Hiển

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-ky-hoi-2019/viet-truoc-giao-thua-815824.html