Viết tiếp ước mơ trên con đường của những thần tượng

Nụ cười rất hiền của anh khiến tôi liên tưởng đến những khoảnh khắc ấm áp, đầy yêu thương của thầy trò vùng biên những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cũng nụ cười rất hiền, giọng nói trầm ấm vang lên từ góc làng, những lớp học Biên phòng ngày ấy đã chắp cánh cho biết bao ước mơ vươn xa. Với cậu học trò nhỏ người dân tộc thiểu số Dẻ-Triêng, Xiêng Văn Thang, ước mơ ấy giờ đây đã thành hiện thực: Anh đã và đang tiếp bước trên con đường của những thần tượng…

Đại úy Xiêng Văn Thang bên công trình nước tự chảy phục vụ hàng trăm hộ gia đình ở thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thái Kim Nga

Đại úy Xiêng Văn Thang bên công trình nước tự chảy phục vụ hàng trăm hộ gia đình ở thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thái Kim Nga

Mặc dù không trực tiếp theo chân thầy giáo Biên phòng học chữ, nhưng cậu bé Xiêng Văn Thang vẫn cảm nhận rất rõ khát vọng cháy bỏng, tình yêu nồng nàn của những người lính quân hàm xanh trong cuộc hành trình “gieo chữ” vùng biên những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

“Ngày ấy, nhà tôi (thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi - phóng viên) là địa chỉ quen thuộc của các chú, các anh ở Đồn Biên phòng Đăk Dục, BĐBP Kon Tum. Họ đến để cùng với bố mẹ đi tuyên truyền, vận động người dân trong làng tham gia các lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học do đồn Biên phòng tổ chức.

Sau những giờ miệt mài đèn sách, thầy trò vùng biên lại quây quần bên nhau trong tiếng cười đùa vui vẻ và những lời ca, tiếng hát mộc mạc, yêu thương. Những hình ảnh đó đã gieo vào lòng tôi niềm mơ ước sẽ được sải bước trên con đường của những thần tượng. Thần tượng của tôi chính là những người lính Biên phòng...” - Đại úy Xiêng Văn Thang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Thanh (BĐBP Kon Tum) nói về điểm xuất phát con đường binh nghiệp của mình với tôi như thế.

Thế hệ 8X của Đại úy Xiêng Văn Thang ở các xã biên giới Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long (huyện Đăk Lây) và Đăk Dục, Đăk Nông, Sa Loong, Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) có khá nhiều người chọn nghiệp Biên phòng. Có thể kể ra đây một số gương mặt như Đại úy A Hí, A Hòa, A Hùng, Thượng úy Brô Minh Phong...

Khi tiếp xúc, trò chuyện với chúng tôi, tất cả họ đều cho rằng mình là người hạnh phúc khi hiện thực hóa giấc mơ thời thơ trẻ đó là bước vào con đường của những thần tượng. Và còn hạnh phúc hơn nữa là hôm nay, những đứa trẻ vùng biên ấy được trở về chính quê hương mình để bắt đầu chuỗi ngày dài cống hiến. Một sự kế thừa không thể đẹp hơn dành cho lực lượng BĐBP khi những “hạt giống” do chính tay mình gieo mầm, nâng niu, chăm bẵm giờ đây đã là những sĩ quan chỉ huy trẻ tuổi nhưng bản lĩnh, đầy tự tin và giàu lòng nhiệt huyết.

Với Đại úy Xiêng Văn Thang, nhờ có sự đồng cảm, thấu hiểu các chủ nhân đất rừng biên giới, hơn ai hết, anh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ làm công tác dân vận. Ngày còn làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Xú, quản lý địa bàn xã Đăk Xú có mặt bằng kinh tế thấp, tình hình an ninh tương đối phức tạp, chàng sĩ quan trẻ tuổi Xiêng Văn Thang luôn tâm niệm phải xây dựng cho được những mô hình giúp dân thiết thực nhất.

Từ suy nghĩ đó, anh tích cực tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương và chỉ huy đồn Biên phòng tập trung xây dựng mô hình VAC ở thôn Đăk Nông, với những cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng nuôi trồng của bà con. Mô hình kinh tế này nhanh chóng phát huy tác dụng, mở ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Đăk Xú triển khai xây dựng mô hình “Thôn đạo bình yên” ở làng Kei Joi và Đăk Long, vừa giữ vững an ninh nông thôn, vừa tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, cùng nhau sống tốt đời, đẹp đạo.

Trong trận hạn hán lịch sử xảy ra vào năm 2016, Xiêng Văn Thang cùng với các đồng đội của mình, một mặt tập trung giúp dân chống hạn, mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xây dựng công trình nước tự chảy tại thôn Đăk Long Giao với tổng trị giá hơn 93 triệu đồng (cùng 200 ngày công lao động của bộ đội và nhân dân). Công trình dân sinh này không chỉ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng trăm hộ gia đình, mà còn trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quân dân trên vùng biên giới.

Với tâm thế của người sĩ quan Biên phòng “3 bám, 4 cùng”, sau khi được điều chuyển công tác về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y giữ chức danh Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đại úy Xiêng Văn Thang cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội công tác tập trung xây dựng những mô hình phát triển kinh tế quy mô nhỏ ở hộ gia đình, làm cơ sở nhân rộng ra các thôn trong xã Pờ Y.

Từ 2 địa chỉ trợ giúp ban đầu là chăn nuôi gà tại hộ gia đình ông Đặng Văn Dũng (ở thôn Ngọc Hải) và phát triển diện tích cây bời lời ở hộ gia đình ông Lương Văn Nghị (thôn Đăk Mế), người dân trong xã Pờ Y từng bước tiếp cận được các công đoạn kỹ thuật, nhất là phòng chống dịch bệnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Song song với đó, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Xiêng Văn Thang cùng đồng đội tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp xắn tay áo giúp dân cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh quanh nhà, nạo vét kênh mương tưới tiêu, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tu sửa nhà rông phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Chỉ trong gần 2 năm công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Đại úy Xiêng Văn Thang đã tổ chức hơn 530 buổi tuyên truyền, thu hút gần 40 ngàn lượt người nghe những nội dung xoay quanh vấn đề về chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới, đấu tranh tố giác tội phạm... Vai trò của người Đội trưởng vận động quần chúng còn được anh thể hiện ở những buổi sinh hoạt chi bộ thôn Măng Tôn theo chủ trương đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng. Bên cạnh những ý kiến tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ sở chính trị, những cuộc họp quý giá này đã giúp cho Đại úy Xiêng Văn Thang hiểu sâu, nắm chắc những tâm tư nguyện vọng của bà con, nhất là những hộ gia đình nghèo để có hướng trợ giúp thực chất và hiệu quả.

Tháng 1-2019, Đại úy Xiêng Văn Thang được cấp trên điều động bổ nhiệm Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dục Nông (đơn vị quản lý 2 xã Đăk Dục và Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi). Trở về công tác trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, Xiêng Văn Thang không chỉ cùng tập thể chỉ huy đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương 2 xã Đăk Dục, Đăk Nông củng cố thực lực chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, Đại úy Xiêng Văn Thang tập trung chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng đội công tác địa bàn xây dựng nông thôn mới tại thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông và Chả Nhầy, Ngọc Hiệp, xã Đăk Dục. Dấu ấn của “người con Biên phòng” đối với mảnh đất quê hương còn được thể hiện ở mô hình “bò giống sinh sản” được triển khai tại 4 hộ gia đình Y Thủy, Kring Thấp (ở xã Đăk Dục), A Nhúi và Nguyễn Thị Hòe (xã Đăk Nông). Từ mô hình này, Đồn Biên phòng Dục Nông đã nhân rộng lên 8 hộ gia đình, với số bò giống lên đến 16 con, tất cả sinh sản tốt, phát triển nhanh, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình nghèo.

Cống hiến và trưởng thành để lại tiếp tục được cống hiến, Đại úy Xiêng Văn Thang là một trong những gương mặt tiêu biểu của BĐBP Kon Tum trong phong trào thi đua Quyết thắng từ nhiều năm qua. Chia sẻ với chúng tôi sau khi được cấp trên điều động bổ nhiệm Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Thanh, Đại úy Xiêng Văn Thang cho biết, nguồn năng lượng của mình vẫn luôn tràn đầy để tiếp tục cống hiến cho mảnh đất biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-tiep-uoc-mo-tren-con-duong-cua-nhung-than-tuong-post431494.html