Viết tiếp kỳ tích ghép tạng

Hơn 30 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong kỹ thuật ghép tạng và mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM

Những bước tiến…

Thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 23 bệnh viện (BV) được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép một trong 6 bộ phận cơ thể người. Riêng tại khu vực phía Nam có 6 cơ sở y tế được cấp phép triển khai ghép mô, tạng gồm: BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhi đồng 2, BV Nguyễn Trãi và mới đây là BV Thống Nhất cũng đã triển khai 2 ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các chuyên gia BV Chợ Rẫy.

Thành công nhất trong ghép tạng tại BV Chợ Rẫy phải kể đến là lĩnh vực ghép thận. PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, cho biết, từ năm 1992 đến nay, BV đã thực hiện được 1.061 ca ghép thận, trong đó nguồn tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2008, đơn vị này bắt đầu triển khai ghép thận từ người chết não đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2015 thực hiện ghép thận từ người cho tim ngừng đập đầu tiên. Tỷ lệ thành công của các ca ghép thận do BV Chợ Rẫy thực hiện đối với người hiến sống là 16-20 năm, từ người hiến chết 12-16 năm, tỷ lệ này tương đương với các nước trên thế giới. Đáng chú ý, BV đã thực hiện được một số kỹ thuật khó trong ghép thận như ghép thận đổi chéo, ghép thận bất dung hợp nhóm máu, ghép thận không hòa hợp miễn dịch và ghép thận đón đầu… “Kỹ thuật ghép thận nào thế giới làm được thì BV Chợ Rẫy cũng đã làm được”, TS-BS Thái Minh Sâm khẳng định.

Từ năm 2018, BV Đại học Y Dược TPHCM cũng bắt đầu triển khai ghép tạng. Đến nay, đơn vị này đã triển khai thành công ghép gan từ người cho sống, người cho chết não, ghép gan trẻ em và ghép thận. Trong khi đó, BV Nhi đồng 2 là đơn vị dẫn đầu trong ghép tạng trẻ em ở khu vực phía Nam. Đến nay, cơ sở này đã làm chủ được kỹ thuật ghép gan và ghép thận trẻ em. Đáng chú ý, vừa qua, BV thực hiện thành công ca ghép thận cho trẻ em từ người cho chết não đầu tiên. “Ca ghép này mang tính chất rất nhân văn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bé, đồng thời mở ra hy vọng mới về ghép tạng trẻ em trong bối cảnh Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa cho phép trẻ em được hiến tạng”, TS-BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, nhấn mạnh.

GS-TS PHẠM GIA KHÁNH, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam:

"Dù ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới khoảng 40 năm nhưng đến nay, sau 30 năm triển khai đã tiệm cận với các tiến bộ của thế giới, thúc đẩy sự phát triển ngành y học nước nhà khi thực hiện thành công hơn 7.000 ca ghép tạng"

Thêm cơ hội sống cho người bệnh

Để tiệm cận với những tiến bộ của ghép tạng thế giới, BV Chợ Rẫy đang có kế hoạch cử nhân sự đi học tập kỹ thuật ghép phổi và ghép ruột ở những nước tiên tiến. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng có định hướng triển khai ghép đa tạng trên cùng một bệnh nhân. Còn BV Nhi đồng 2 cũng liên tục cử bác sĩ đi đào tạo ở các trung tâm ghép tạng trong nước và châu Âu. Hiện đơn vị này đã làm chủ được kỹ thuật ghép gan, thận và ghép tế bào gốc trẻ em. “Trong tương lai, BV sẽ hình thành trung tâm ghép tạng trẻ em chuyên sâu cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam và chúng tôi không ngừng phấn đấu để làm chủ kỹ thuật ghép tạng”, TS-BS Trịnh Hữu Tùng đặt mục tiêu.

Theo các chuyên gia, ghép tạng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng bởi nguồn tạng hiến còn khan hiếm. Ngay như tại BV Chợ Rẫy, trong 1.061 ca ghép thận chỉ có 66 trường hợp từ người cho chết não và ngừng tim, gần 1.000 trường hợp là từ người cho sống. Trong khi đó, sau 5 năm triển khai ghép tim, đơn vị này cũng chỉ thực hiện được 9 ca ghép bởi không có nguồn tạng hiến.

Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mỗi năm cả nước vận động được khoảng 10 người chết não hiến tạng, trong đó năm 2019 vận động được 20 người chết não hiến tạng. Trong hơn 10 năm qua, từ nguồn tạng hiến này đã có hơn 400 người được ghép phổi, gan, thận, tim, giác mạc, da… Cùng với những tiếng vang mà ghép tạng Việt Nam gây dựng được trong 30 năm qua, các chuyên gia còn kỳ vọng vào sự thay đổi của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho việc hiến, ghép tạng. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, thêm cơ hội cho các bệnh nhân chờ ngày được ghép tạng.

GS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn của BV Nhi đồng 2, nhìn nhận, 95% ca ghép tạng ở Việt Nam là từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Thiếu tạng hiến cũng là nguyên nhân khiến cho việc ghép tạng trẻ em của BV Nhi đồng 2 trở nên “èo uột”. Gần 20 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay BV Nhi đồng 2 mới chỉ thực hiện được 24 ca ghép thận và 15 ca ghép gan. Trong khi đó, danh sách trẻ chờ ghép thận, ghép gan ngày càng dài. Nhiều trẻ đã không thể chờ được tạng ghép và qua đời. Theo GS Trần Đông A, trẻ em cần được ưu tiên ghép tạng bởi tương lai của các cháu còn rất dài.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-tiep-ky-tich-ghep-tang-post676287.html