Viết tiếp câu chuyện quản lý thuế khoán hiện nay ở Việt Nam

Thời gian qua, dư luận xôn xao về câu chuyện một cửa hàng vàng ở Cà Mau bán 1 ngay 1.000 lượng vàng, doanh thu 10.000 tỷ đồng/năm, tuy nhiên chỉ đóng thuế khoán 1 tháng 10 triệu đồng cho cơ quan thuế địa phương. Nghe xong câu chuyện này chắc các nhà quản lý tài chính, kế toán giỏi nhất cũng không thể tưởng tượng ra những con số kể trên, nhưng đó là sự thực đang diễn ra và không phải là cá biệt trong cách quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh được coi là 'nhỏ'.

Trong thực tế, chỉ bằng mắt thường, nhìn sự hoạt động nhộn nhịp của các cửa hàng kinh doanh ăn uống dịch vụ, người dân cũng có thể thấy quy mô họ hoạt động như thế nào rồi! Ấy thế mà họ vẫn níu kéo không chịu lên doanh nghiệp với nhiều lý do mang tính ngụy biện như thêm biên chế kế toán, tăng sổ sách ghi chép, tốn chi phí,...

Đó là những lý do để che đậy những doanh số rất lớn của họ, mà những doanh số này do các hội đồng phường, quận xem xét duyệt đi để tính thuế khoán. Điều trớ trêu là, những hội đồng đó lại ấn định có lẽ theo cảm tính nắm bắt được, chứ không có sổ sách kế toán minh chứng làm cơ sở cho việc tính thuế hàng tháng của các doanh nghiệp đó.

Nhiều hộ kinh doanh ở Việt Nam "không chịu lớn" để "né thuế". (Ảnh minh họa)

Nhiều hộ kinh doanh ở Việt Nam "không chịu lớn" để "né thuế". (Ảnh minh họa)

Thậm chí, có những trường hợp cán bộ thuế còn gợi ý để doanh nghiệp báo cáo làm sao cho có lợi cho cá nhân, doanh nghiệp hộ kinh doanh thuế khoán mà thực chất là dẫn tới thất thu lớn thuế đối với Nhà nước.

Một điều cần nói thêm là: Những doanh thu, số thuế nộp của từng hộ, từng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này đều không được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi để giám sát. Điều này chỉ có tỉnh Quảng Ninh đã làm được việc công khai đó mà thôi. Tiếc rằng, gương điển hình cho thu ngân sách Nhà nước ở các hộ thuế khoán chưa được nhân rộng thêm 1 tỉnh thành nào khác. Chính những điều mập mờ, không có cơ sở xem xét trên đã dẫn tới sự tự tung, tự tác của các cán bộ thuế chuyên quản ở các địa phương hiện nay, không phải là cá biệt.

Cách đây 1-2 năm, báo Thanh Niên đã có 2 bài liên tiếp viết về các “mỏ thuế” lộ thiên đã rõ mồn một nhưng ít được khai thác, không muốn khai thác do các phóng viên điều tra. Đây đúng là “con voi chui lọt lỗ kim” trong cách quản lý của ngành Thuế hiện nay.

Hệ quả của những việc làm trên do công tác quản lý còn lỏng lẻo, yếu kém, thậm chí tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách ở các địa phương và Trung ương, trong lúc Nhà nước đang kêu gọi cần tăng các nguồn thu hợp lý để đầu tư ngân sách vào những việc rất cần thiết cho quốc tế dân sinh. Cũng cần phải nói thêm nguyên nhân sâu xa của việc này là do chính sách Thuế hiện nay của Việt Nam áp dụng 2 loại thuế: Thuế khoán cho các hộ cá thể và thuế VAT cho các doanh nghiệp.

Tôi nhớ lại thời kỳ bao cấp trong ngành thương mại Hà Nội, cán bộ chuyên quản thuế sát sao lắm, bóc tách rõ ràng lắm, từng mớ rau mùi của cửa hàng Thủy tạ và hộp tăm của Công ty Bách hóa bán lẻ thành phố đều phải có thẻ quầy và hóa đơn chứng từ hợp lệ. Ngoài ra còn có sự giám sát chặt chẽ của kế toán, sau này của cả kiểm toán nội bộ, thanh tra đơn vị, công đoàn,... nhìn chung, khó mà chạy đi đâu được một đồng thuế của ngân sách. Nêu lên những câu chuyện lịch sử thu ngân sách của Hà Nội đối với ngành thương mại cách đây 20 - 30 năm cho ta thấy, có sự khác nhau trong cung cách quản lý; trước đây chặt chẽ bao nhiêu, thì bây giờ lại có những chuyện buông lỏng không thể tưởng tượng được!

Kết luận lại bài này ta thấy, quản lý thuế ngày nay với phương châm minh bạch công khai khoa học, và bằng các phương thức hiện đại thì không thể tồn tại phương thức thuế khoán cho những hộ kinh doanh, doanh nghiệp dịch vụ mà có doanh số lớn. Như vậy, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cách quản lý thuế. Doanh thu quy mô hoạt động như thế nào thì cán bộ thuế chuyên quản, chính quyền phường quận đều biết cả. Chắc chắn họ phải áp dụng phương pháp hạch toán kế toán cho rõ ràng đầy đủ theo chế độ, xuất hóa đơn VAT cho khách 100%, từ đó doanh thu thực, số thuế thực sẽ nổi lên.

Chúng ta làm việc này vì ngân sách, vì các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc và nộp thuế đầy đủ, tạo sự công bằng trong xã hội và trong kinh doanh. Điều cần lưu ý thêm là hiện nay ngành thuế đang thí điểm việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế địa phương thường xuyên.

Đó là một điều cần phải làm và phải làm nhanh hơn nữa. Sự phát triển kinh tế xã hội nhanh và vững chắc cần phải đi đôi với sự phát triển của công tác quản lý thuế một cách khoa học và minh bạch, công bằng ở thị trường nội địa Việt Nam. Ở đây cần nói thêm, nên kết hợp một số biện pháp hỗ trợ cho ngành thuế như sử dụng hóa đơn sổ xố bán hàng dịch vụ cho tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam như các nước tiên tiến đã tiến hành cách đây vài chục năm, đem lại hiệu quả tăng nguồn thu cho ngân sách rất tích cực.

Cần lưu ý thêm, ngoài phương thức quản lý tiên tiến và tích cực, phải chú ý đến yếu tố con người thực thi nhiệm vụ thuế ở các địa phương và cơ sở, chú ý chăm lo đến đời sống vật chất của họ và gia đình, không bị dính vào những “viên đạn bọc đường” trong quá trình làm nhiệm vụ. Khen thưởng những tổ chức cá nhân trong ngành Thuế làm ăn tích cực, có trách nhiệm và liêm khiết, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật thuế của công chức ngành. Làm được những vấn đề trên, chắc chắn rằng công tác thu thuế ở thị trường nội địa Việt Nam sẽ tăng thêm, ngân sách đỡ thất thu lớn, khuyến khích được những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong lĩnh vực nộp thuế.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/viet-tiep-cau-chuyen-quan-ly-thue-khoan-hien-nay-o-viet-nam-124469.html