Viết tiếp Báo động đỏ an toàn đường sắt tại Nghệ An: Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, tai nạn vẫn xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

VH- Ngay sau khi Văn Hóa đăng bài 'Báo động đỏ an toàn đường sắt tại Nghệ An: Đổ lỗi cho 'thiếu ý thức' là xong ?! (số 3121, ra ngày 11.7), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An về vấn đề này.

Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào khi trong một thời gian rất ngắn gần đây trên Nghệ An liên tiếp xảy ra tai nạn thương tâm ngành đường sắt?

- Ông Võ Minh Đức: Trước tình trạng báo động tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong thời gian qua, các cấp ngành đã có nhiều biện pháp để tăng cường bảo đảm an toàn trật tự giao thông. Hầu hết các vụ tai nạn liên quan đến đường sắt đều để lại hậu quả nghiêm trọng thiệt hại về người và tài sản, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa cao. Một bộ phận dân cư sống ở 2 bên đường sắt cũng tùy tiện mở các lối đi dân sinh và đường ngang trái phép.

Trước tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành, thị có đường sắt đi qua có trách nhiệm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi tháo dỡ trái phép hàng rào chắn giữa đường bộ với đường sắt, tự ý mở đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt; tuyệt đối không để phát sinh đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp; bố trí, cắt cử người trực gác, tăng thời gian trực gác tại các lối đi dân sinh thường xảy ra hoặc có nguy cơ tai nạn liên quan đến đường sắt. Đối với các vi phạm về bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi phát hiện thì ngành công an phải xử lý nghiêm.

Khi để xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm như thế nào?

- Khi xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp đỡ, ứng cứu, giải quyết hậu quả phối hợp các ban, ngành khắc phục ùn tắc giao thông. Đối với trường hợp nạn nhân tử vong, địa phương thông báo bàn giao người nhà để mai táng.

Vẫn biết tỉnh đã có nhiều giải pháp nhưng nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt, thậm chí buông lỏng quản lý. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

- Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực vào cuộc quyết liệt, cụ thể hàng năm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT được chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp, phong phú về hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như in ấn và lắp đặt băng rôn, phát hành tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT… nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Để từng bước giảm thiểu TNGT đường sắt đòi hỏi cả một quá trình và phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở.Bên cạnh nỗ lực của ngành Đường sắt, các địa phương cần tập trung vốn nhằm xử lý dứt điểm hạng mục xây hàng rào, đường gom nhằm cơ bản đóng hoàn toàn các lối đi dân sinh. Các địa phương không nên trông chờ vốn ngân sách mà phải vận dụng linh hoạt từ nguồn địa phương. Hiện trường vụ tai nạn hầu hết là đoạn đường ngang dân sinh nhưng không có barie rào chắn, đó chính là những “điểm đen” trên giao thông đường sắt. Xóa đường ngang bất hợp pháp phải từ nỗ lực từ các địa phương.

Các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn đường sắt. Tăng cường chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Duy trì hiệu quả công tác quản lý, không để xảy ra phát sinh lối đi dân sinh qua đường sắt.

Theo dư luận cứ sau mỗi vụ tai nạn, cơ quan chức năng cứ đổ lỗi người dân thiếu ý thức. Ông có nghĩ như vậy không?

- Nghệ An hiện có hơn 300 km (bao gồm tất cả các nhánh) chiều dài đường sắt chạy qua và hiện còn tồn tại tới 166 lối đi dân sinh trái phép, trong đó có 58 lối có chiều rộng trên 3m, 73 lối có chiều rộng từ 1,5 - 3m. Lối mở trái phép qua đường sắt có chiều rộng mặt đường quá lớn đang là mối đe dọa tới an toàn chạy tàu và an toàn giao thông tại Nghệ An.Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải tỏa những vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đang gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của các hộ dân cư sống dọc ven đường sắt không chấp hành luật lệ an toàn giao thông đường sắt. Nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên xây dựng nhà cao tầng, làm mái che, dựng các biển quảng cáo gây che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn cho người và các phương tiện giao thông khác lưu thông qua đường sắt.

Từ các vụ tai nạn cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra ở những đường ngang dân sinh, nguyên nhân được xác định là do người tham gia giao thông thiếu ý thức quan sát, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Một sôý́kiến cho rằng, mức phạt đối với những vi phạm giao thông đường sắt vẫn chưa cao, nên chưa răn đe được người dân. Dẫn đến việc những vụvi phạm hành lang an toàn đường sắt, băng qua đường cắt ngang vẫn còn phổbiến.

Giải pháp căn bản nhất để giảm thiểu tai nạn trên đường sắt là xử lý triệt để các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt; bố trí người cảnh giới đường ngang; tổ chức rào chắn, làm đường gom để đóng hoàn toàn các lối mở, đường dân sinh trái phép. Chúng tôi đang đề xuất nên đưa ra hình thức xử lý, truy tố trách nhiệm, tước bằng lái (phải thi lại mới được cấp bằng), thậm chí truy tố hình sự đối với những trường hợp điều khiển xe cố ý vượt qua tàu gây tai nạn, thiệt hại cho đoàn tàu.

PHẠM NGÂN (thực hiện)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/vi%E1%BA%BFt-ti%E1%BA%BFp-b225o-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%8F-an-to224n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-s%E1%BA%AFt-t%E1%BA%A1i-ngh%E1%BB%87-an-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-t%E1%BB%89nh-ch%E1%BB%89-%C4%91%E1%BA%A1o-tai-n