Viết tiếp bài Trại tạm giam Chí Hòa chưa được xếp hạng di tích thật sự là thiếu sót : Những người trong cuộc lên tiếng

Trước sự quan tâm phản ánh của dư luận liên quan đến 'số phận' công trình Trại tạm giam Chí Hòa (quận 10, TP.HCM), ngày 22.4, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhân chứng từng bị giam giữ tại đây.

Tọa đàm thảo luận và kiến nghị cấp có thẩm quyền lên phương án bảo tồn Trại tạm giam Chí Hòa

Tại buổi tọa đàm, hầu hết ý kiến đều thống nhất đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm xem xét việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích nhằm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc của Trại tạm giam Chí Hòa.

“Tôi đã đi đến nhiều di tích nhà tù trên cả nước và nhận thấy một số công trình do sự vội vàng hoặc buộc phải “nhân nhượng” một phần nên đã ứng xử không phù hợp, trong đó di tích nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội. Tuy đã dành một phần để làm di tích nhưng không khỏi xót xa. Vì thế, đây là bài học để chúng ta kiến nghị với cấp có thẩm quyền là không được ứng xử với Trại tạm giam Chí Hòa như thế”, Trưởng ban Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 10 Hoàng Thị Khánh mở đầu buổi tọa đàm bằng những chia sẻ đầy tâm tư khiến ai cũng phải suy nghĩ.

Theo nhiều cựu tù, trong khoảng hơn 10.000 cựu tù chính trị và tù binh của thành phố trở về sau giải phóng thì có hơn 2.000 cựu tù từng bị giam cầm ở nhà tù Chí Hòa. Và chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết được sự khủng khiếp của nhà tù Chí Hòa, nhất là khu an ninh kỷ luật với hệ thống xà lim kiên cố dùng để nhốt và tra tấn những người mà chúng liệt vào loại tù nhân ngoan cố, còn gọi là “khu điện ảnh”. “Chúng tôi là những nhân chứng sống, từng bị giam cầm và đấu tranh chính trị ở đây thì càng phải có trách nhiệm trong việc lên tiếng giữ gìn, bảo tồn Trại tạm giam Chí Hòa, một công trình mang dấu ấn lịch sử cách mạng còn sót lại của TP.HCM với biết bao nỗi ám ảnh, đặc biệt cũng là nơi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn, nhiều cựu tù bị tra tấn cho đến chết”, bà Khánh nói và cho rằng vì những ý nghĩa lịch sử như vậy nên công trình cần được gìn giữ, tôn tạo để giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước. Những thế hệ sau cần phải dành cho công trình một vị thế tương xứng với giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường của lực lượng cựu tù Chí Hòa trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Nguyên Bí thư Quận ủy quận 10 cũng nhấn mạnh, TP.HCM không thiếu đất để xây dựng những trung tâm thương mại, dịch vụ… Nhưng công trình ghi dấu ấn lịch sử, bề dày của thành phố thì không có nhiều. Đối với công trình Trại tạm giam Chí Hòa, bà Khánh cho rằng không nên tổ chức bất kỳ hoạt động thương mại nào tại đây, đừng để Chí Hòa bị “cắt xén” thô bạo như nhà tù Hỏa Lò. Bày tỏ mong muốn giữ nguyên toàn bộ công trình để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh của lực lượng cựu tù chính trị và tù binh cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ông Lê Hồng Tư, cựu tù Chí Hòa - Côn Đảo chia sẻ, nhà tù tuy do Nhật giúp Pháp xây dựng từ năm 1943, nhưng đến thời kỳ chống Mỹ, chính quyền địch vẫn sử dụng nhà tù này để giam cầm những người yêu nước.

Theo tìm hiểu của ông Tư, khu vực Đông Nam Á và cả thế giới, hiếm có nhà tù nào xây dựng theo hình bát quái như Chí Hòa. Trong 8 khu của nhà tù, bản thân ông Tư bị giam qua 3 khu, từ khu A qua khu D rồi đến khu B. Bên cạnh giá trị lịch sử, công trình cũng có lối kiến trúc độc đáo với hình bát quái kiên cố và bề thế, thậm chí thời kỳ bị giam, ông và các đồng chí của mình từng nhiều lần có ý định vượt ngục nhưng đều không thực hiện được. Do vậy theo cựu tù Lê Hồng Tư, đừng phá vỡ không gian, cảnh quan và kiến trúc của công trình rồi về sau phải hối tiếc.

Trưởng ban Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 10 HOÀNG THỊ KHÁNH

Cũng theo ông Tư, các nước có nền kinh tế phát triển luôn biết cách tôn trọng, giữ gìn các công trình mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử… Đối với nước ta hiện nay tuy kinh tế còn khó khăn, nhưng đừng chờ đến lúc kinh tế phát triển rồi mới nâng niu, gìn giữ thì đã muộn. Các thế hệ con cháu ngày sau có thể bị “hụt hẫng” về các giá trị văn hóa và lịch sử mà chúng ta đang ứng xử với chúng. Ông Tư cho biết ủng hộ phương án bảo tồn nhà tạm giam Chí Hòa để làm bảo tàng. Bà Đoàn Lê Phong, cựu tù Chí Hòa nói: “Nếu không có phương án trùng tu thì nơi đây có thể trở thành phế tích. Riêng tòa nhà hình bát quái cần gấp rút lên phương án bảo vệ nguyên gốc. Ngày trước tù binh vào đây là đi vào cửa tử, còn bây giờ chính sách chúng ta là cải huấn tội phạm, mang tính chất nhân văn hơn”. Bà Phong cho rằng không nên giao di tích này cho nhiều đơn vị sẽ bị phân tán, nếu có làm gì cũng nên giao cho một đơn vị thống nhất quản lý.

Đồng ý kiến, bà Phan Thị Định, cựu tù Chí Hòa bày tỏ, nếu làm cuộc khảo sát hỏi ý kiến của các cựu tù từng bị giam giữ tại Chí Hòa thì chắc chắn 99% cựu tù sẽ nhất trí giữ lại công trình này. Bà Định cho biết, nơi đây từng diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử và chính trị, nhưng chưa được ghi lại đầy đủ, nhất là những cuộc đấu tranh của các cựu tù. Ở một góc nhìn khác, ông Dương Quan Hà, cựu tù Chí Hòa - Côn Đảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM chia sẻ, nơi đây ít nhất phải trở thành công trình phục vụ chung của xã hội. Riêng “khu tra tấn điện ảnh” và nơi xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi phải được giữ lại. Cùng quan điểm, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh nhìn nhận, để người dân dễ dàng tiếp cận và tham quan, cần có phương án bảo tồn công trình thành công viên công cộng phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Dưới góc nhìn khoa học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thống, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, không riêng gì những người trong cuộc, các nhân chứng sống từng bị giam ở Chí Hòa, mà cả những ai từng biết đến nơi này đều có tâm nguyện mong muốn xếp hạng di tích cho công trình. “Việc cần làm ngay là thúc đẩy tiến độ xây dựng hồ sơ để Thành phố ra quyết định xếp hạng. Thứ hai là các cựu tù nên xây dựng các hồi ký, chuyên đề về nhân vật, sự kiện và những câu chuyện gắn với Trại tạm giam Chí Hòa để tố cáo tội ác đế quốc và giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của các thế hệ đi trước”, ông Thống góp ý.

Nhà nghiên cứu này cũng mong muốn Ban Liên lạc cần đề xuất có cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố và các ngành liên quan, phối hợp tổ chức cuộc hội thảo khoa học với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhiều thành phần xã hội để có tiếng nói đồng thuận, thuyết phục để các cấp quản lý xem xét, quyết định phương án sử dụng công trình vào mục đích phù hợp.

Chúng tôi là những nhân chứng sống, từng bị giam cầm và đấu tranh chính trị ở đây thì càng phải có trách nhiệm trong việc lên tiếng giữ gìn, bảo tồn Trại tạm giam Chí Hòa, một công trình mang dấu ấn lịch sử cách mạng còn sót lại của TP.HCM với biết bao nỗi ám ảnh, đặc biệt cũng là nơi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn, nhiều cựu tù bị tra tấn cho đến chết.

(Trưởng ban Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 10 HOÀNG THỊ KHÁNH)

HOÀNG HẢI - THÙY TRANG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/39570/viet-tiep-bai-trai-tam-giam-chi-hoa-chua-duoc-xep-hang-di-tich-that-su-la-thieu-sot-nhung-nguoi-trong-cuoc-len-tieng