Viết tiếp bài 'Tòa 'ngâm' vụ án gần 8 năm chưa xét xử': Luật sư lên tiếng

Luật sư Phạm Văn Lượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định về việc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai 'ngâm' vụ án gần 8 năm chưa đưa ra xét xử: 'Điều này là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự (TTDS) của tòa án. Không những thế, sự chậm trễ trong việc xử lí vụ án của TAND huyện Xuân Lộc còn vi phạm nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng và công khai được quy định tại Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 11 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Điều 15 Bộ luật TTDS năm 2015'.

Trong 8 năm chờ tòa xét xử, phần đất của bà Liên đã bị lấn chiếm, xây dựng công trình kiên cố. Ảnh: Nhật Tường

Trong 8 năm chờ tòa xét xử, phần đất của bà Liên đã bị lấn chiếm, xây dựng công trình kiên cố. Ảnh: Nhật Tường

Sau khi Báo Thanh tra điện tử (ngày 12/4 và 10/5/2019) đăng tải bài “Tòa ‘ngâm’ vụ án gần 8 năm chưa xét xử”, phản ánh những bất cập trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại TAND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Dư luận và giới luật sư đã dành sự quan tâm, đưa ra những nhận định khách quan xung quanh vụ việc này.

Luật sư Phạm Văn Lượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Tôi có theo dõi, quan tâm đến vụ án này ngay khi Báo Thanh tra điện tử đăng tin”.

Về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án, luật sư Phạm Văn Lượng dẫn ra các căn cứ pháp lý:

Theo quy định của Bộ luật TTDS tại Điều 203 Bộ luật TTDS năm 2015 và Điều 179 Bộ luật TTDS năm 2004, tính thời hạn chuẩn bị xét xử những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình được quy định là 4 tháng kể từ ngày thụ lý.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa để xét xử vụ án, trong trường hợp có lí do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng.

“Theo như thông tin Báo Thanh tra cung cấp, ngày 14/6/2011, TAND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thụ lí vụ án dân sự sơ thẩm số 133/2011/TLST-DS về việc ‘Tranh chấp quyền sử dụng đất’ giữa nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Liên; bị đơn là bà Đặng Thị L. và bà Trương Thị A..

Tuy nhiên, đã gần 8 năm kể từ thời điểm thụ lý, vụ án của bà Liên vẫn chưa được TAND huyện Xuân Lộc đưa ra xét xử.

Điều này là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự của tòa án. Không những thế, sự chậm trễ trong việc xử lí vụ án của TAND huyện Xuân Lộc còn vi phạm nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng và công khai được quy định tại Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 11 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Điều 15 Bộ luật TTDS năm 2015”, luật sư Phạm Văn Lượng nhận định.

Phần đất của gia đình bà Liên bị lấn chiếm, bịt kín lối ra vào. Ảnh: Nhật Tường

Cũng liên quan đến vụ án mà bà Nguyễn Thị Liên là nguyên đơn, ngày 20/4/2018, thẩm phán Phạm Thanh Thái đã đại diện cho TAND huyện Xuân Lộc ký “Hợp đồng tư vấn dịch vụ thẩm định giá tài sản” với Công ty CP Thẩm định giá Thuận Việt.

Sau đó, ngày 14/12/2018, cũng chính thẩm phán Phạm Thanh Thái ký Thông báo số 10/TA.VP, yêu cầu nguyên đơn nộp phí thẩm định giá (không phải là phí tư vấn như trong hợp đồng và không có bảng kê chi tiết) vào tài khoản của Công ty CP Thẩm định giá Thuận Việt, với số tiền hơn 27 triệu đồng.

Về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Lượng đưa ra nhận định:

So với luật cũ, về cơ bản, Bộ luật TTDS năm 2015 vẫn được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Tức là, khi có tranh chấp, nếu các bên tự quyết định về giá trị khối tài sản hoặc thuê tổ chức dịch vụ có chức năng thẩm định giá tài sản thì tòa án tôn trọng sự quyết định của các đương sự.

Tòa án chỉ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá tài sản khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 104 và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí và chịu chi phí định giá, thẩm định tài sản được quy định tại các Điều 164 và 165.

Để đảm bảo tính công bằng, tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của bên có yêu cầu tòa ra quyết định định giá. Một trong những căn cứ để tòa án ra quyết định định giá tài sản theo quy định tại Khoản 3, Điều 104, Bộ luật TTDS là: “Theo yêu cầu của một hoặc của các bên đương sự”.

Thẩm phán Thái ký "Hợp đồng tư vấn dịch vụ thẩm định giá tài sản" nhưng lại yêu cầu bà Liên nộp "Phí thẩm định giá" theo hợp đồng này. Ảnh: Nhật Tường

Theo Khoản 4, Điều 104 Bộ luật TTDS năm 2015 thì hội đồng định giá do tòa án thành lập gồm chủ tịch hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan.

“Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật TTDS năm 2015 thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng Định giá. Trong trường hợp này, theo như thông tin tôi nhận được từ Báo Thanh tra, thẩm phán ký hợp đồng tư vấn dịch vụ thẩm định giá tài sản với một tổ chức thẩm định giá tài sản là trái với quy định của Bộ luật TTDS năm 2015”, luật sư Phạm Văn Lượng khẳng định.

Một nguồn tin của Báo Thanh tra cho hay, từ ngày 1/6/2019, đã có quyết định điều chuyển thẩm phán Phạm Thanh Thái (người được TAND huyện Xuân Lộc phân công giải quyết vụ án của bà Nguyễn Thị Liên từ năm 2011) sang công tác tại một đơn vị khác.

Ông Trần Nam Phương - Chánh Văn phòng TAND tỉnh Đồng Nai xác nhận: “Việc này bên phòng tổ chức cán bộ nắm rõ. Tôi chỉ biết thông tin là có quyết định điều chuyển thẩm phán Thái về công tác tại TAND huyện Định Quán”.

Nhật Tường

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/viet-tiep-bai-toa-ngam-vu-an-gan-8-nam-chua-xet-xu-luat-su-len-tieng_t114c39n149427