Viết tiếp bài 'Một phụ xe kêu oan vì bất ngờ nhận án 10 năm tù': Nhân chứng thừa nhận chỉ nghe kể lại?

Nhân chứng Nguyễn Văn Hằng, được coi là người chứng kiến đầu tiên sau khi xe ô tô đâm vào móng nhà của ông, cho biết, do ông bị thoát vị đĩa đệm nên không trực tiếp cứu giúp ai mà đều nghe mọi người kể lại.

Liên quan đến sự việc, PV đã gặp ông Nguyễn Văn Hằng, trú tại thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, được coi là người chứng kiến đầu tiên sau khi xe ô tô 14L-1837 gây tai nạn đâm vào móng nhà của ông vào 3g30 ngày 16-3-2004 khiến 5 người tử vong, 10 người khác bị thương.

Ông Nguyễn Văn Hằng cho hay, vị trí nhà ông thường xảy ra tai nạn giao thông. Sớm 16-3-2004, vợ chồng ông đang ngủ thì nghe tiếng động lớn. Thấy vậy, ông dậy và đi ra nhưng trời rất tối, mưa phùn. Sau đó, ông vào trong nhà dùng dây điện kéo bóng đèn ra thắp sáng. Vào thời điểm ông Hằng thắp đèn thì thấy móng nhà bị hư hỏng, xe ô tô bị lật nghiêng xuống ao không có nước, bên lái xe bị móp méo. Nhìn ra thì thấy một số người trong khu vực đã đến cứu giúp chiếc xe ô tô bị nạn, một số người bị thương được đưa đi trạm xá gần đó để cấp cứu, một số người tử vong vẫn còn ở lại. “Tôi nghe mọi người nói là lái xe bị kẹt trong cabin nên mọi người hô hoán. Lúc này, người đàn ông đó vẫn tỉnh và nói: “Anh ơi, cứu em với. Sau đó, một người bạn của tôi có về nhà lấy xà beng đẩy vô lăng đưa lái xe bị gãy chân ra ngoài. Khi đưa người đàn ông đó lên thềm nhà, tôi trực tiếp lấy ghế băng cho ngồi trước khi đưa đi trạm xá cấp cứu”, ông Hằng kể lại.

Hiện trường khu vực xảy ra tai nạn đã được giải tỏa và mở rộng đường giao thông. Ảnh: C.P

Hiện trường khu vực xảy ra tai nạn đã được giải tỏa và mở rộng đường giao thông. Ảnh: C.P

Khi được hỏi, trong phiên xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 10-1-2005, với tư cách là người chứng kiến đầu tiên sau khi xe ô tô 14L-1837 gây tai nạn, ông có khẳng định rằng, người lái xe ô tô là người mặc áo trắng, quần bò màu tím, bị gãy chân. Ông có trực tiếp chứng kiến ai lái xe hay không? Ông Hằng cho hay, do ông bị thoát vị đĩa đệm nên không cứu giúp được ai trong vụ tai nạn. Người trực tiếp cứu giúp những nạn nhân vụ tai nạn là hai người ở gần nhà ông và thời điểm CQCA cần lấy lời khai nhân chứng thì hai người đó đi BV nên không đứng ra làm chứng vụ án. Do đó, CQCA đã đến nhà lấy lời khai của ông và mời lên UBND xã để lấy lời khai.

“Tôi không phải là người đầu tiên ở hiện trường và trực tiếp cứu giúp các nạn nhân mà đều nghe những người cứu giúp kể lại. Khi CQCA lấy lời khai, tôi chỉ thuật lại theo lời kể của những người ở hiện trường chứ không chứng kiến. Về thông tin ai là người lái xe thì tôi cũng không biết, không biết ai là chủ xe, ai là phụ xe nhưng mọi người nói người gãy chân, mặc áo trắng là người lái và chủ xe ngồi sau nên tôi cũng kể lại như vậy”, ông Hằng cho biết.

Theo ông Hằng, vụ tai nạn xảy ra rồi xe lật nghiêng nên người sau đè lên người trước hay ngồi sau bật lên phía trước thì ông không biết được. Ông khẳng định, hôm xảy ra tai nạn, người bị mắc kẹt ở vô lăng xe vẫn tỉnh táo. Khi cán bộ điều tra đến nhà viết biên bản rồi bảo ông ký xác nhận đến đây điều tra thì ông ký chứ cũng không đọc nội dung văn bản.

Liên quan sự việc trên, luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 10 của BLTTHS năm 2003 thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, cơ quan điều tra, VKSND và TAND phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không phạm tội. Điều 64 của BLTTHS cũng quy định chứng cứ của vụ án được xác định bằng: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. Như vậy, khi kết tội anh Hương, các cơ quan thi hành tố tụng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ duy nhất vào nguồn chứng cứ duy nhất là lời khai của những người làm chứng, người bị hại, người liên quan, hơn nữa, những lời khai này còn mâu thuẫn với nhau thì rõ ràng căn cứ buộc tội đối với anh Hương của tòa án cấp sơ thẩm là vừa thiếu, vừa yếu.

Trong vụ án này, do có sự mâu thuẫn lời khai giữa chủ xe và phụ xe nên để xác định chính xác ai là người trực tiếp lái xe gây ra vụ tai nạn thì 03 loại tài liêu, chứng cứ vô cùng quan trọng buộc phải thu thập được đó là: Bệnh án của anh Hương và Bùi Văn Tuận; bản kết luận giám định pháp y về thương tích của anh Hương và Bùi Văn Tuận; biên bản thực nghiệm điều tra để làm rõ thành thương tích của người cầm lái khi xe ô tô xảy ra tai nạn… Thiếu một trong các tài liệu chứng cứ kể trên thì việc giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo được sự khách quan, toàn diện, thậm chí có thể dẫn tới oan sai.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viet-tiep-bai-mot-phu-xe-keu-oan-vi-bat-ngo-nhan-an-10-nam-tu-nhan-chung-thua-nhan-chi-nghe-ke-lai-157592.html