Viết tiếp bài DN Sông Con kêu cứu: 'Phá cao su là phá đề án của tỉnh'

KTNT- Hiện Công ty TNHHMTV Nông nghiệp Sông Con chủ yếu trồng cây cao su (1.000 ha, trong đó 500 ha đã khai thác), cùng với 100 ha lúa, 100 ha ngô, 300 ha mía. * Nghệ An: Doanh nghiệp Sông Con kêu cứu Cây cao su là cây trồng cho thu nhập cao, ổn định đối với đời sống dân sinh trong vùng và phù hợp với qui hoạch của tỉnh Nghệ An từ nay đến năm 2020 phát triển 27.000ha cao su. Cũng theo Quyết định số 4183 ngày 19/9/2013 của UBND tỉnh, đến năm 2015, huyện Tân Kỳ phải đạt 4.500 ha cao su đứng (hiện đã có được 2.346 ha). Trong đó có 1000ha cao su của 'Nông trường Sông Con'.Với sự nghiệp phát triển cao su như trên, nếu liên doanh với công ty mía đường, với mục đích phát triển vùng nguyên liệu mía thì sẽ dẫn đến việc chặt phá hơn 1000ha cao su đang cho thu nhập ổn định để lấy đất sang trồng mía là một việc làm phá vở đề án phát triển cao su của tỉnh là không thể chấp nhận!.

Sản phẩm mủ cao su cốm chất lượng cao của Công ty NN Sông Con.

Ông Nguyễn Văn Nam (xóm Tân Trà, Tân Phú) nói: “Đất Tân Phú chủ yếu là đất đồi, chỉ phù hợp với cây cao su loại cây không tưới, chứ không phù hợp với cây mía. Nếu trồng mía thì năng suất thấp, và sau một trận mưa, đất màu sẽ bị xói đi hết. Tôi đã thử nghiệm 3 năm trồng mía nhưng không có hiệu quả. Trồng cây gì, nuôi con gì phải tính toán, phù hợp với thực tế. Nếu phá cao su để trồng mía chỉ là rước họa vào thân nông dân mà thôi”. Bà Nguyễn Thị Mai, xóm Tân Thái, Tân Phú bức xúc: “Nghe tin có lệnh cấp trên buộc Công ty TNHHMTV Nông nghiệp Sông Con phải sáp nhập vô Công ty mía đường, chúng tôi rất bất bình. Bởi cây cao su, cho thu nhập tốt, ổn định tại sao lại làm vậy?!. Công ty NN Sông Con luôn đứng ra làm bà đỡ cho chúng tôi vay vốn ưu đãi trong thời gian dài để đầu tư chăm sóc, bảo vệ. Còn trồng mía cho thu nhập thấp, đến vụ thu hoạch dân bị nhà máy ép giá. Chúng tôi chẳng lạ gì nữa, bởi nhà máy mía đường đầu tư trồng mía nhiều nơi nhưng không thành. Nhiều vùng như Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Hợp người dân bỏ trồng mía hết cả rồi nay lại làm chuyện động trời đòi chặt bỏ cao su để trồng mía chuyện không có trời nữa chăng?”.

“Nếu tỉnh cứ ép buộc phải sáp nhập, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng. Đi tỉnh không xong, nông dân chúng tôi sẽ kéo nhau ra Trung ương”- một nông dân khác nêu ý kiến.

Công ty TNHHMTV Nông nghiệp Sông Con thông báo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT Nghệ An tới 15/15 công đoàn bộ phận; 468/530 cán bộ công nhân viên. Kết quả, 100% cán bộ công nhân viên Công ty phản đối chủ trương sáp nhập, liên doanh với công ty mía đường. Tập thể cán bộ công nhân viên cho rằng, Công ty đang làm ăn phát đạt, đời sống vật chất và tinh thần người lao động luôn được bảo đảm, đạt được nhiều thành tích, nhiều năm liền được cấp trên khen thưởng. Thực hiện chủ trương sáp nhập, liên doanh, người lao động không được bàn bạc, thảo luận, như vậy là vi phạm qui chế dân chủ.

Lãnh đạo cty bức xúc trước quyết định sát nhập.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sáp nhập, liên doanh giữa hai công ty với hai lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoàn toàn khác nhau là không phù hợp, không đáp ứng quyền, lợi ích và nguyện vọng của người lao động. Đất đai của Công ty NN Sông Con đã giao khoán ổn định lâu dài cho người lao động theo Nghị định 35, tài sản vườn cây trên đất là của người lao động. Người lao động không chấp nhận đem tài sản của mình liên doanh với đơn vị mía đường. Tập thể lao động Công ty NN Sông Con đề nghị được cổ phần hóa doanh nghiệp để ổn định và phát triển sản xuất bền vững hơn.

Như vậy, nhiều người dân và 100% cán bộ, công nhân viên Công ty NN Sông Con phản đối chủ trương liên doanh với công ty mía đường. Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định: “Chỉ một số lãnh đạo Công ty NN Sông Con phản đối chủ trương liên doanh vì lợi ích nào đó, còn nói công nhân viên và người lao động phản đối là không đúng đâu”.

Xóa sổ một đơn vị có truyền thống gần 60 năm?

Năm 1955, Nông trường quốc doanh Sông Con được thành lập, tiếp nhận hàng trăm bộ đội phục viên, chuyển ngành và anh em miền Nam tập kết. Công nhân, nông dân lâm trường đã khai phá hàng ngàn hec ta đất, vừa sản xuất vừa chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nông trường vinh dự được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quí, vinh dự được đón các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Đức Việt về thăm. Nông trường cũng vinh dự được đồng chí Fidel Castro thăm và tặng bò giống Cu ba.

Bài 3: Và những vấn đề khuất tất

Nhóm PVĐT

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/viet-tiep-bai-dn-song-con-keu-cuu-%E2%80%9Cpha-cao-su-la-pha-de-an-cua-tinh%E2%80%9D-post14754.html