Cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào?

Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ cháy lớn nhỏ xảy ra làm chúng ta không khỏi bàng hoàng. Thiệt hại về người và của đều rất lớn. Thế nhưng, mọi người có để ý, 'mầm' cháy đang âm ỉ trong cuộc sống hàng ngày từ những điều không ngờ tới.

Nếu xảy ra chập điện, cháy hoàn toàn có thể xảy ra với mạng lưới dây điện chằng chịt bên cạnh tán cây như thế này.

Ngày 23.3, vụ cháy chung cư cao cấp Carina ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh gây chấn động. Nguyên nhân được xác định do phát cháy từ một chiếc xe máy trong hầm chung cư và hệ thống báo cháy không hoạt động.

Ngày 31.3 có tới 4 vụ cháy ở Hà Nội. Trong đó, nghiêm trọng nhất là cháy chợ Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì) rộng 1.600m2. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Ngày 1.4, cháy lại diễn ra tại một chung cư cao cấp ở Sài Gòn. Được biết lí do cháy xuất phát từ cục sạc dự phòng cắm nhiều ngày nên quá nhiệt, phát hỏa, bén nhiệt vào chồng sách, máy tính và tấm nệm mà lây lan.

Năm 2016, quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) phát cháy từ sự bất cẩn của người thợ hàn khi sửa bản lề, vảy hàn bắn vào xốp cách âm rồi bùng thành ngọn lửa lớn. Ngọn lửa lớn hoàn toàn có thể bùng phát từ nguyên nhân nhỏ bất ngờ.

Theo tài liệu Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Cảnh sát PCCC Hà Nội, các thiết bị sinh nhiệt như bóng đèn, máy sấy tóc, máy sưởi, bàn là… ở gần chất cháy thì có thể dẫn đến cháy nổ. Nguyên nhân do thiết bị nổ, vỡ hay quá tải hoặc tiếp xúc trực tiếp chất cháy. Do đó, người dùng cần biết cách đặt các thiết bị điện ở vị trí phù hợp trong nhà.

Từ tin tức về các trường hợp cháy nổ, liệu có ai xem lại bình gas nhà mình đã khóa khi không sử dụng? Người dùng đồ công nghệ có nhìn lại thói quen sử dụng pin, sạc của mình xem đã đúng cách chưa? Ban quản lí các tòa nhà, các chợ có kiểm tra lại hệ thống báo cháy? Hay vẫn tặc lưỡi mặc kệ để đến khi mất bò mới lo làm chuồng thì hậu quả khôn lường.

Thử tưởng tượng trong con phố nhỏ, nhà nào lỡ đốt vàng mã quá tay bén vào vật dễ cháy; người bán hàng sơ ý làm rơi sỉ than tổ ong còn hồng bén vào đồ dùng; các thiết bị điện công suất cao dùng cùng lúc dẫn đến chập điện vì quá tải thì chẳng mấy chốc ông Hỏa gõ cửa nhà.

Thành ngữ có câu về hiểm họa "Nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc”. Cháy nổ chỉ đứng sau lũ lụt về độ nguy hại. Bất kì bất cẩn nào cũng có thể dẫn đến cháy nổ gây ra thiệt hại. Mỗi cá nhân nên tự trang bị kiến thức cho mình. Phòng hơn chống, giữ an toàn cháy nổ cho mình cũng là giữ an toàn cho mọi người.

Hồng Ánh

Nguồn Đời Sống Plus: https://laodong.vn/ban-doc/chay-co-the-xay-ra-bat-cu-luc-nao-599120.ldo