'Viết sách phải đến từ trải nghiệm thật của mình mới chạm được đến cảm xúc'

Chúng tôi đã gặp gỡ với tác giả Trang Neko và lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của chị về '199 mấy, hồi ấy làm gì?'

Tác giả Trang Neko (Ảnh: Thảo Giang)

Trong những năm gần đây, những quyển truyện thiếu nhi nhưng phần nhiều lại “dành cho người lớn” đọc đã không còn quá xa lạ với độc giả. Phần lớn, người ta tìm lại tuổi thơ, tìm lại những kí ức của một thời xưa cũ đã mất trong những quyển truyện thiếu nhi tưởng chừng như chỉ dành cho trẻ con.

Ra đời tháng 8/2020, chưa đầy một năm sau “199 mấy, hồi ấy làm gì?” đã xuất bản hơn 10.000 cuốn và nhận được sự yêu thích đến từ đông đảo công chúng. “199 mấy, hồi ấy làm gì?” cũng nằm trong Top những cuốn sách hay nhât 2020, trụ vững trên các bảng xếp hạng về sách của các nền tảng uy tín.

Chúng tôi đã gặp gỡ với Trang Neko, tác giả của cuốn sách này và lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của chị về “199 mấy, hồi ấy làm gì?”

Khi đặt bút viết quyển sách này, đối tượng độc giả mà chị mong muốn hướng đến nhất là ai?

Khi mình viết cuốn “199 mấy, hồi ấy làm gì?”, nó giống như là một sự hồi tưởng lại, lưu giữ thời gian khi mình còn là một cô bé tiểu học sống trong khu tập thể. Thế nên mình kỳ vọng là cuốn sách này sẽ đại diện cho thế hệ của mình, những đứa trẻ cuối 8x. Nó sẽ có những kỉ niệm tương tự như mình: Sống ở thành phố, có những trò chơi như thế, ở những không gian như thế…

Và điều mình không ngờ nhất đó chính là cuốn sách có thể nhận được sự đón nhận của cả những bạn trẻ, thậm chí là cả những “bạn bé”, những bạn cách xa bọn mình tận mười mấy, hai mươi tuổi. Có khi bây giờ các bạn ấy còn gọi bọn mình bằng cô bằng chú cả rồi nhưng các bạn vẫn rất đón nhận và đồng cảm khi đọc quyển sách của mình.

Chị nghĩ yêu tố nào làm nên thành công của “199 mấy, hồi ấy làm gì?”

Có một độc giả đã chia sẻ với mình rằng “Có lẽ ai cũng cần một người kể hộ câu chuyện của bản thân. Và 199 mấy đã làm được điều đó”. Tác phẩm này đã tạo ra được sự đồng cảm với rất nhiều người và có lẽ đó chính là điều tạo nên thành công của tác phẩm này. Ai cũng có tuổi thơ, ai cũng có khoảng thời gian vô lo vô nghĩ. Đương nhiên loại trừ một vài trường hợp các bạn có cuộc sống vất vả, khó khăn. Nhưng mình chắc chắn rằng tất cả các bạn đồng trang lứa với mình ai cũng sẽ có một phần tuổi thơ, dù ít hay nhiều được tìm thấy trong “199 mấy, hồi ấy làm gì?”.

Mình có thể thay mặt được rất nhiều người của thể hệ mình viết lại, lưu giữ lại những điều mà ai cũng từng mong nhớ mà chưa ai có cơ hội để “cô đặc” lại. “199 mấy, hồi ấy làm gì?” đã trở thành một “cỗ máy thời gian thu nhỏ” để bất cứ ai cũng có thể mở ra vào bất cứ lúc nào.

Điều khó nhất khi chị thực hiện cuốn sách này là gì?

Quá trình sáng tác của mình khá là thuận lợi bởi vì mình nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn rất lớn từ phía nhà xuất bản Wings Books. Phần nội dung tác phẩm mình chỉ hoàn thành vỏn vẹn trong 1 tháng. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lại đến từ chính việc tìm họa sỹ. Quá trình tìm kiếm họa sỹ minh họa cho tác phẩm kéo dài đến gần 1 năm, khiến cho sự ra mắt của cuốn sách có phần chậm trễ.

Họa sỹ X.Lan không phải là người đầu tiên mà mình tìm đến. Đầu tiên mình có liên hệ với 1 họa sỹ khác để thực hiện tác phẩm nhưng sau đấy vì một vài lý do mà anh không thể thực hiện được và mình cảm thấy nét vẽ của anh ấy chưa thực sự phù hợp với tiêu chí mà mình mong muốn. Sau đó, Wings Books đã đề cử cho mình một họa sỹ khác. Nét vẽ của anh này cũng chỉ tiệm cận đến 80% so với mong muốn của mình, nhưng mà anh ấy cũng khá bận rộn. Và có lẽ cái “bận rộn” ấy đã biến thành cơ duyên để mình hợp tác với X.Lan.

Rất may mắn mình đã được hợp tác với X.Lan trong một dự án trước đó. Dù chưa tìm hiểu quá nhiều nhưng khi mình nhìn những bức tranh của X.Lan thì mình nhận ra “Đây rồi. Đây chính là người họa sỹ mà mình cần”. Và X.Lan chính là người có thể truyền tải được hết những ý tưởng mà mình mong muốn.

“199 mấy, hồi ấy làm gì?” (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Rất nhiều độc giả khi đọc sách xong đã để lại bình luận là cuốn “199 mấy, hồi ấy làm gì?” còn thiếu nhiều chi tiết và chỉ lột tả được tuổi thơ của những đứa trẻ miền Bắc, chứ còn ở miền Nam thì chưa có. Chị nghĩ sao về vấn đề này và nếu được chị có mong muốn sửa lại bản thảo của mình hay không?

Đây là câu hỏi mình cũng được nhận khá nhiều kể từ sau khi tác phẩm được xuất bản và nhận được sự chú ý. Theo mình, để viết sách thì phải có trải nghiệm. Vì chỉ khi có trải nghiệm thì mới mang được cảm xúc một cách chân thực nhất đến với độc giả.

Khi thực hiện kế hoạch mình cũng không dám ôm đồm nhiều thứ. Khi gửi bản thảo, phía bên xuất bản cũng gợi ý cho mình rằng mình có thể làm nhiều hơn, rộng hơn, không phải chỉ trong độ tuổi đó mà còn là cấp 2, cấp 3… Nhưng mình đã nêu ra quan điểm là mình không muốn làm như vậy. Mình muốn gói gọn nó trong câu chuyện và suy nghĩ của một đứa trẻ tiểu học với bối cảnh khu tập thể.

Đến 70-80% những nội dung trong cuốn sách là đến từ ký ức của chính bản thân mình. Mình cũng có tham khảo và đưa thêm một số câu chuyện của các bạn khác vào trong cuốn sách của mình. Tuy nhiên mình không dám mạo hiểm để viết rộng hơn. Và mình cũng mong muốn là sẽ có cơ hội để lắng nghe nhiều hơn, trải nghiệm được nhiều hơn để có thể đem đến nhiều câu chuyện cho mọi người.

So với mặt bằng chung của thị trường sách hiện nay, với 130 trang, cuốn “199 mấy, hồi ấy làm gì?” được nhiều độc giả nhận xét là giá thành có hơi cao so với thị trường. Chị nghĩ sao về điều này?

Mình nghĩ rằng với mọi sản phẩm mang tính chất văn học, nghệ thuật đều rất khó để định giá. Mọi thứ nó đều mang tính chất tương đối, nhưng quan trọng là khi các bạn mua nó, nó sẽ đem lại cho các bạn giá trị gì, niềm vui như thế nào. “199 mấy, hồi ấy làm gì?” ra đời là cả một sự tâm huyết và đầu tư của rất nhiều con người.

Điều đặc biệt hơn nữa là “199 mấy, hồi ấy làm gì?” được ưu tiên in bằng loại giấy đắt tiền để có thể in giả cổ trên chất liệu nền màu vàng, mang lại hiệu ứng mỹ thuật đẹp mắt đến cho người đọc, mang đến trải nghiệm trọn vẹn nhất khi thưởng thức tác phẩm. Và mình nghĩ đây là một cuốn sách sẽ còn có giá trị rất lâu về cả sau này.

Sau sự thành công của “199 mấy, hồi ấy làm gì?” chị có dự định ra mắt thêm sản phẩm nào nữa trong thời gian tới hay không?

Công việc chính của mình không phải là viết văn. Viết văn là một sở thích cũng là một cái duyên. Năm 2014 mình được tiếp xúc với một tác giả khá nổi tiếng về văn học cho giới trẻ, chị có khuyến khích mình hãy thử theo con đường viết lách. Và cũng trong năm 2014 mình có cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết đầu tay. Sau đó mình khá là bận rộn với công việc, cộng thêm vào đó là mình không tìm được cảm hứng cụ thể cho công việc viết lách. Bỗng nhiên một ngày mình cảm thấy mình cần viết một cái gì đó mà mình đã trải nghiệm, trăn trở với nó, về những ngày tháng mà mình rất trân quý nên mình đã nghĩ đến việc biến nó thành 1 cuốn sách.

7 năm qua là những suy nghĩ, những trăn trở của mình cho công việc viết lách. “199 mấy, ngày ấy làm gì?” giống như một câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở đó của mình. Mĩnh vẫn sẽ duy trì công việc viết lách. Và bọn mình cũng đã có những ấp ủ nhất định cho thời gian tới. Nhưng mình xin phép được giữ bí mật và bọn mình sẽ cố gắng hoàn thiện tác phẩm trong thời gian sớm nhất để mang tới với độc giả.

Xin cảm ơn chị!

Thảo Giang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viet-sach-phai-den-tu-trai-nghiem-that-cua-minh-moi-cham-duoc-den-cam-xuc-d501275.html