Việt - Nhật hợp tác lĩnh vực đóng tàu: Học được nhiều...

Việt Nam hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực đóng tàu mở ra cơ hội cho phát triển về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế.

Ngày 2/3/2020, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có buổi đón tiếp Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản. Tại cuộc hội đàm sau đó, hai bên đề xuất nhiều nội dung hợp tác trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực đóng tàu, chuyển giao các công nghệ ngành đóng tàu quân sự; hợp tác sản xuất các mặt hàng kinh tế.

Phía Việt Nam mời các sĩ quan cao cấp của Nhật Bản sang tham dự khóa học quốc tế tại Học viện Quốc phòng và Học viện quân sự Nhật Bản sang học tiếng Việt.

Việt Nam cũng đề nghị triển khai hoạt động liên kết đào tạo giữa Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Sỹ quan Thông tin của Việt Nam với Đại học Phòng vệ và các nhà trường khác của Nhật Bản.

Nhìn nhận về sự kiện này với Đất Việt, kỹ sư Đỗ Thái Bình - một chuyên gia về đóng tàu và hàng hải cho rằng, đây là tín hiệu rất mừng, mở ra tương lai phát triển hơn nữa trong lĩnh vực đóng tàu của Việt Nam.

Theo ông Bình, ngay từ sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản nổi lên là một trong những quốc gia có trình độ đóng tàu vào bậc nhất thế giới, cả trong lĩnh vực tàu quân sự và tàu dân sự.

Hai chiến hạm Uraga và Takashima của Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh ngày 12/04/2016 (Ảnh AFP).

Hai chiến hạm Uraga và Takashima của Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh ngày 12/04/2016 (Ảnh AFP).

"Ở Nhật Bản, việc đóng tàu quân sự và tàu dân sự đã hòa vào làm một. Trong khi đó thì tại Việt Nam vẫn còn có những khoảng cách mà chưa thể khỏa lấp. Từ đó, việc hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này sẽ tạo ra hướng phát triển mới của ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam trong tương lai" - ông Bình cho biết.

Theo nhìn nhận của chuyên gia này, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến mới trong ngành công nghiệp đóng tàu. Đã bắt đầu có những đơn hàng với số lượng hàng chục chiếc xuất khẩu sang các nước Châu Phí, gồm cả tàu quân sự và tàu dân sự.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, phần lớn những đơn hàng xuất khẩu tàu biển đó đều được Việt Nam làm trên những mẫu thiết kế có sẵn mà phía đặt hàng gửi sang. Như thế thì mới chỉ giống như người công nhân làm thuê trong phân xưởng.

Để phát triển được ngành đóng tàu, Việt Nam cần phải phát triển được trong lĩnh vực thiết kế, không chỉ thiết kế về mặt hình thức, phía bên ngoài con tàu mà cả bộ phận động cơ, công năng sử dụng tàu thủy.

"Để phát triển được mặt thiết kế đóng tàu là rất khó, không phải quốc gia nào cũng làm được. Trong khi Nhật Bản là một trong những nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, hy vọng sau khi hợp tác Việt Nam sẽ tiếp nhận được công nghệ tiên tiến và phát triển được phần nào về lĩnh vực thiết kế đóng tàu" - kỹ sư Đỗ Thái Bình kỳ vọng.

Theo vị chuyên gia, một trong những yếu tố cần thiết của tàu quân sự là khả năng thực chiến, tính hiệu quả trong chiến đấu. Trong khi đó, đóng tàu thuộc về công nghiệp tổng hợp, không có tích lũy kỹ thuật thâm hậu mà muốn đóng ra những tàu hàng đầu thế giới thì không thể. Sau thế chiến thứ 2, Mỹ đã bỏ lại Nhật Bản hàng trăm con tàu quân sự lớn nhỏ nên họ được thừa hưởng những con tàu đó để nghiên cứu, sao chép công nghệ và phát triển nên một mức mới.

Chính vì thế, lĩnh vực đóng tàu của Nhật Bản tiệm cận với trình độ của Mỹ - một trong những cường quốc bậc nhất về quân sự trên thế giới. Vì vậy, việc Việt Nam hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền công nghiệp đóng tàu hiện đại, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật bậc nhất vào đóng tàu.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/viet--nhat-hop-tac-linh-vuc-dong-tau-hoc-duoc-nhieu-3397870/