Viết ngôn tình để giới trẻ chú ý đến lịch sử

Sáng 20/4, trong khuôn viên Hội chợ sách Hà Nội 2019, tác giả 'Trăng nơi đáy giếng' - Nhà văn Trần Thùy Mai đã từ Mỹ về để ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị 'Từ Dụ thái hậu' (NXB Phụ Nữ). Đây được đánh giá là cuốn 'ngôn tình' thuần Việt đầu tiên có yếu tố 'cung đấu' và khá dễ tiếp cận đối với đông đảo độc giả.

Ra mắt “Từ Dụ thái hậu”. Ảnh: Thuận Thư

Ra mắt “Từ Dụ thái hậu”. Ảnh: Thuận Thư

Là sử nhưng dễ đọc

Nhà văn Trần Thùy Mai nói, ba nguyên liệu chính để chị làm nên cuốn tiểu thuyết này chính là tư liệu lịch sử, truyện dã sử và trí tưởng tượng. Chị cũng bày tỏ sự khó khăn trong việc tìm tư liệu lịch sử: “Chính sử của mình về những nhân vật hậu cung thường ngắn gọn và ít tư liệu. Vì thế việc tiếp cận lịch sử bị hạn chế. Nhưng nó cũng là thuận lợi cho tôi, vì mình có nhiều khoảng trống để tưởng tượng”.

Trần Thùy Mai từng thành danh với truyện ngắn. Mười tập truyện của chị được nhiều giải thưởng văn chương, có truyện được dựng thành phim như “Trăng nơi đáy giếng”. “Từ Dụ thái hậu” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị, gồm hai tập chia thành 69 chương. Cuốn sách được viết chủ yếu tại Mỹ, nơi chị đang định cư.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông hứng thú với cách chọn đề tài của Trần Thùy Mai. Khai thác lịch sử nhưng không chọn chính trường mà lại zoom vào đời sống hậu cung, dùng cái phụ để lý giải cái chính. Ông Dương Trung Quốc cũng giải thích: Từ Dụ (hay Từ Dũ) là một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử. Bà là con dâu vua Minh Mạng, vợ vua Thiệu Trị và mẹ vua Tự Đức, một nhân vật trọng tâm của ba triều vua với rất nhiều công đức được ca tụng.

Trả lời câu hỏi của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: vì sao chị viết tiểu thuyết? Trần Thùy Mai kể: cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà chị được đọc vào năm 8 tuổi, là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Khi đó bị thủy đậu, phải nằm ở nhà, mạ (tiếng gọi mẹ của người Huế) thương tình đi mua cho bộ “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” để giết thời gian. Sau này, khi thành nhà văn, chị vẫn muốn thử sức mình ở thể loại này.

Lý do thứ hai: “con gái tôi dạy học về kể, cả lớp 35 sinh viên nhưng hỏi chim lạc (loài chim thủy tổ của người Việt) là gì thì không ai biết. Cho nên tôi muốn viết tiểu thuyết lịch sử để góp một tay làm cho môn Sử trở nên hứng thú hơn, nhất là với độc giả trẻ”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kỳ vọng đây sẽ là cuốn tiểu thuyết “ăn khách” bởi lối viết mượt mà, cách kể hấp dẫn. Chưa kể, trong số chi tiết mà nhà văn tập trung khai thác có rất nhiều các nghi án lịch sử như: mối tình của Trương Đăng Quế với Quý phi Phạm Thị Hằng (tên của thái hậu Từ Dụ), vụ án Mỹ Đường (con hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ ruột, nghi án vua Tự Đức là con của thái hậu Từ Dụ và Trương Đăng Quế…”.

Từng là kịch bản phim truyền hình

Nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: cách đây khoảng gần chục năm, công ty BHD đã đặt hàng Trần Thùy Mai viết một kịch bản về ẩm thực Huế, trong đó có yếu tố tình yêu, kiểu “Dae Jang Geum Việt Nam”. Kịch bản hoàn thiện, gồm gần 30 tập, tác giả đã được trả nhuận bút nhưng vì BHD chưa xin được kế hoạch sản xuất nên hiện nó vẫn nằm trong kho. Để tiết kiệm công sức cho bạn, chính Ngô Thảo cũng từng “xúi” Trần Thùy Mai chuyển thành tiểu thuyết cho đỡ phí.

“Từ Dụ thái hậu” được viết dựa trên kịch bản phim truyền hình của chính Trần Thùy Mai. Chị kể: tôi viết nó trong không khí sực nức mùi món Huế. Ở bên Mỹ, các món Huế đều đã bị biến vị, vì thế không thể thuyết phục được khẩu vị khó tính của ông xã Trần Thùy Mai là bác sĩ Bùi Duy Tâm. Đích thân chị, hàng ngày đều xuống bếp tự làm bánh nậm, bánh xèo… luyện ra một tay làm bánh “ngon hơn ở tiệm”.

Nhà văn Trang Hạ nhận xét dưới góc độ độc giả: “Tôi vô cùng thích thứ tiếng Việt thuần Việt mà chị Mai dùng trong bộ sách này. Ngày nay các bạn trẻ có xu hướng Hán hóa trong sử dụng tiếng Việt hiện đại, điều đó khiến những người theo đuổi thứ tiếng Việt thuần Việt như tôi “không chịu nổi”. Nhưng trong cuốn này, tôi tìm thấy rất nhiều bài học tiếng Việt được xử lý vô tình tinh tế”.

Đứng từ góc độ sử học, nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá: bộ tiểu thuyết có sự nhất quán và hấp dẫn, rất nữ tính. Mặc dù nó trưng lên chữ bi kịch nhưng còn nhiều thứ khác thú vị, trong đó có cả tình sử. Chính tình sử đưa vào đây làm cho lịch sử khách quan kia trở nên không chỉ có bi kịch, mà còn phong phú, uyển chuyển, đẹp đẽ, hấp dẫn và nhiều giá trị thông tin.

PGS.TS Đặng Anh Đào kể: “Khi nhận hai cuốn sách rất dầy, tôi đã phải bỏ tất cả việc khác để tập trung đọc. Và tôi nói với Trần Thùy Mai: em giỏi quá! Chị Hạnh (PGS.TS Đặng Thị Hạnh) giờ mắt yếu không đọc được hỏi tôi quyển của Mai hay không, tôi bảo hay lắm! Nhưng xin chớ vội tin tôi, vì trên đời này chẳng có gì toàn vẹn. Muốn biết thực hư thế nào, phải đọc mới biết”. Bà Đào cũng nhắc lại kỷ niệm với ba tác phẩm “Vàng lửa”, “Kiếm sắc” và “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp, khi đó nhiều người “đánh” Nguyễn Huy Thiệp vì “bôi nhọ” lịch sử. Theo kiến giải của PGS.TS Đặng Anh Đào, truyện của Nguyễn Huy Thiệp hay của Trần Thùy Mai là giả lịch sử. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nói thêm: đọc văn phải khác đọc sử!

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, giám đốc NXB Phụ Nữ cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã muốn có thêm nhiều tiểu thuyết lịch sử, nhất là về triều Nguyễn. Trước đó, hai tác giả viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải đã được chúng tôi đặt hàng tiểu thuyết lịch sử nhưng các bác đều nói rằng, bây giờ đã có tuổi, có lòng nhưng không có lực. NXB đã chuyển hướng sang đặt hàng nhiều tác giả trẻ hơn, như gần đây tác giả Trường An có bộ truyện “Hồ Dương” và bây giờ là Trần Thùy Mai. Trong nội dung đặt hàng NXB cũng thường nhấn mạnh yếu tố dễ đọc, gắn với cách bạn đọc trẻ bằng cách tiếp cận dưới vỏ bọc tình yêu và thân phận”.

Nhà văn Trần Thùy Mai và chồng từ Mỹ về Việt Nam ra mắt bộ tiểu thuyết đầu tay của chị

Nhiều độc giả trẻ hứng thú với cuốn ngôn tình thuần Việt này

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/viet-ngon-tinh-de-gioi-tre-chu-y-den-lich-su-1405098.tpo