Việt Nam xây dựng 'vùng đệm' đối phó với rủi ro

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang ra sức thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đối mặt với 'tam giác bất khả thi' - mối quan hệ giữa chính sách lãi suất - chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài.

Và động thái tăng trần lãi suất điều hành của NHNN là để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Đó là những chia sẻ của TS Vũ Đình Ánh với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Tăng lãi suất để ổn định tỷ giá

Fed vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, dao động trong biên độ từ 3,0 - 3,25%. Trong vòng xoáy lãi suất như vậy, Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

- Theo lý thuyết, khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn giá rẻ dừng lại, các nước đang phát triển như Việt Nam không còn hưởng lợi từ dòng vốn giá rẻ. Dòng vốn có xu hướng đảo chiều chuyển về các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

TS Vũ Đình Ánh.

TS Vũ Đình Ánh.

Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá nhiều so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất giá. Tỷ giá hối đoái gây áp lực nhập khẩu lạm phát đến với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và gây khó khăn cho NHNN trong điều hành tỷ giá hối đoái.

Bốn nhóm chỉ số cần quan tâm lúc này là lạm phát, tỷ giá, thanh khoản hệ thống lãi suất, sức khỏe nền kinh tế.

Rất may với Việt Nam, hiện cả bốn tác động này về cơ bản ở mức độ tương đối vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát, lạm phát dự kiến ở mức dưới 4% trong năm nay, tỷ giá biến động ở mức vừa phải, xoay quanh mức 3% và nhà đầu tư vẫn có xu hướng mua ròng nhưng không nhiều, chỉ ở mức vài chục triệu USD, vẫn tốt hơn một số quốc gia bị bán ròng đến vài tỷ USD

Dù vậy, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc Fed tăng lãi suất nói riêng và các nước phát triển thắt chặt tiền tệ nói chung. Cần chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó với xu hướng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022.

Lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Ông nhận định sao về động thái này?

- Trên thực tế cuộc đua lãi suất vẫn âm thầm diễn ra tại các ngân hàng trong vài tháng trở lại đây.

NHNN sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm. Điều này gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD và NHNN sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá.

Áp lực tăng lãi suất của Việt Nam rất lớn, ngoài chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của DN tăng rất cao. Chưa kể, hiện nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng cao, mất cân đối giữa huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay lên tới 7% nên áp lực rất lớn.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong tháng 9 khi Fed sẽ hành động quyết liệt để thị trường giảm kỳ vọng vào lạm phát.
NHNN phải đối mặt hiện nay là vừa phải ổn định tỷ giá, vừa phải giữ mặt bằng lãi suất. Đây là tình thế rất khó xử của NHNN.

Tỷ giá tăng không chỉ làm chỉ số giá nhập khẩu và lạm phát kỳ vọng tăng, mà còn khiến niềm tin của người dân bị xói mòn.

Theo lý thuyết nếu không muốn ảnh hưởng đến dòng vốn thì cần tăng lãi suất, giảm bớt nguy cơ tỷ giá hoặc nếu không muốn tăng lãi suất mà vẫn muốn giữ dòng vốn thì phải giảm giá VND.

Muốn kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá, yêu cầu bắt buộc là phải tăng lãi suất.
Thứ nhất, lãi suất đồng Việt Nam (VND) cũng cần phải tăng lên để tránh việc chênh lệch lãi suất khiến dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam, cũng như không hấp dẫn dòng tiền từ nước ngoài vào.

Vấn đề thứ hai là tác động lên chính sách tỷ giá hối đoái. Khi Mỹ tăng lãi suất, đồng USD lên giá mức kỷ lục. Hiện tại, gần như tất cả các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với USD, từ đó tạo ra áp lực giảm giá rất lớn đối với VND. Nếu NHNN không tăng lãi suất đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá hối đoái.

Vậy có thể hiểu tăng lãi suất sẽ không còn áp lực với tỷ giá. Ông dự đoán tỷ giá thời gian tới sẽ ra sao?

Tỷ giá là điều đau đầu nhất đối với NHNN. Hiện tại, gần như tất cả các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với USD, từ đó tạo ra áp lực giảm giá rất lớn đối với VND.

Nếu như phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu thì DN FDI được lợi (vì tỷ trọng nhập khẩu và xuất khẩu của DN FDI khá cân bằng), nhưng DN nội (đa phần nhập khẩu) lại thiệt hại lớn.

Tương tự, nếu lãi suất tăng thì DN nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì DN ngoại chủ yếu vay vốn nước ngoài. Vậy nên gọi là tam giác bất khả thi: Lãi suất - chính sách tỷ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài. Điều quan trọng là đánh giá tác động để lựa chọn giữa cái được và cái mất.

Nhưng nếu lãi suất thì DN sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hỗ trợ phục hồi kinh tế?

Việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó, có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.

Tuy nhiên, dưới chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm biên lợi nhuận để giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

Việc phân bổ hạn mức tín dụng buộc các ngân hàng phải chọn lọc khách hàng, chọn lọc dự án để cho vay chứ không thể cho vay ồ ạt, bừa bãi và không có chuyện tăng khả năng tín dụng mà không bị kiểm soát.

Kích cầu đầu tư - tiêu dùng, đa dạng hóa xuất khẩu

Thế còn nợ công và đầu tư, việc các loại ngoại tệ mạnh khác mất giá tác động thế nào tới nợ công của Việt Nam, thưa ông?

- Về đầu tư quốc gia đầu tư FDI chủ yếu vào Việt Nam là: Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore chứ không phải Mỹ hay châu Âu nên sẽ làm giảm tác động của yếu tố này.

Về nợ công, nhờ giữ được tỷ giá và lạm phát, nên nợ công của Việt Nam không bị tác động tiêu cực trước sự mất giá của các loại tiền tệ khác so với USD, thậm chí còn giúp giảm dư nợ chính phủ so với cuối năm 2021. Tất nhiên còn nhiều biện pháp khác như chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước và cơ cấu lại các khoản vay với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn…

Áp lực với tăng trưởng kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023 còn rất lớn. Theo ông cần thực hiện các giải pháp gì để ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng?

- Các tổ chức đã khuyến cáo, thúc giục các nhà hoạch định chính sách thế giới chuyển trọng tâm sang thúc đẩy sản xuất, thay vì giảm tiêu dùng thông qua tăng lãi suất.

Cần thúc đẩy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp khơi thông vốn tín dụng, vốn trái phiếu, quỹ đầu tư, thị trường mua - bán nợ, vốn đọng trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản… một cách hợp lý, lành mạnh, hiệu quả; đây cũng là giải pháp tốt nhất để huy động nguồn lực cho nền kinh tế và DN.

Tại Việt Nam hướng thúc đẩy đầu tư trong nước là chú trọng giảm gánh nặng cho DN bằng cách giảm thuế, kể cả thuế suất thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Việc giảm thuế chính là giải pháp trọng tâm để kích cầu đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng thông qua giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá tương xứng nhằm đảm bảo tăng tiêu dùng thực tế của người dân.

Việc giảm giá các loại hàng hóa dịch vụ, kể cả giá cả trên TTCK và thị trường bất động sản, đưa về giá trị thật, phù hợp với thu nhập và sức mua của đại bộ phận Nhân dân, chính là biện pháp kích cầu hiệu quả và vững chắc nhất.

Đối với chi đầu tư, một mặt cần lựa chọn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, tạo ra nhiều việc làm; mặt khác, sự đầu tư Nhà nước cần hướng vào phát triển con người, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực để thông qua đó người lao động có việc làm, có thu nhập thì mới phát triển được thị trường trong nước bền vững…

Về tỷ giá, nếu tỷ giá VND/USD tăng, thì giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng và tăng kép, tác động không nhỏ đối với CPI về 2 mặt: “Nhập khẩu lạm phát” thực sự và tác động đến tâm lý “kỳ vọng lạm phát”. Vì vậy, giải pháp cơ bản là cần đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và thặng dư thương mại bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (thực hiện)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-xay-dung-vung-dem-doi-pho-voi-rui-ro.html