Việt Nam xây dựng lộ trình công nhận 'hộ chiếu vắc-xin'

Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có hộ chiếu vắc-xin.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 24-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có Giấy chứng nhận đã tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vắc-xin".

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh theo hướng: Thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng – hộ chiếu vắc-xin; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vắc-xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Trước đó, tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, hai bên đã nhất trí thúc đẩy lập Nhóm Công tác xây dựng Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc-xin. Đây là một trong những bước quan trọng để tạo thuận lợi cho đi lại giữa hai quốc gia.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ "chứng nhận" đã tiêm chủng vẫn có thể chưa phải là giấy "thông hành" để có thể đi lại các nước được. Cụ thể, bạn chỉ đi được nơi bạn muốn, nếu loại vắc-xin bạn đã tiêm, cũng phải được "công nhận" tại nơi đến.

Các nước trên thế giới hiện qui định khác nhau và mới ở giai đoạn đầu, về công nhận vắc-xin cho mục đích đi lại. Trong đó, Trung Quốc là nước đầu tiên, từ tháng 2, cho biết sẽ ưu tiên những người tiêm vắc-xin Trung Quốc khi nhập cảnh nước này. Liên minh châu Âu (EU) hiện chỉ công nhận 4 loại vắc-xin, gồm: BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson. Trong ASEAN, các nước sử dụng đa dạng các loại vắc-xin. Như vậy, để sắp tới có thể đi lại trong ASEAN, cần khởi động từ bây giờ việc tham vấn về công nhận lẫn nhau về các vắc-xin đã được tiêm chủng, trước hết ở cấp song phương, rồi toàn khu vực.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm 9-4, đại diện Bộ Y tế đã nêu phương án cách ly với các trường hợp nhập cảnh có sử dụng "hộ chiếu vắc-xin": Cách ly tập trung 7 ngày, nếu xét nghiệm 2 lần âm tính SARS-CoV-2 thì chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày.

Theo đó, công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về "hộ chiếu vắc-xin" phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ mũi, đúng lịch, phải được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin cuối.

Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 thống nhất 3 nhóm người nhập cảnh dự kiến được áp dụng hộ chiếu vắc-xin gồm: Người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài, đã tiêm vắc-xin Covid-19; người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh; khách du lịch quốc tế.

Khẩn trương thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" khách đến Phú Quốc

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi đến Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu và cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Bộ Y tế được yêu cầu chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" với Phú Quốc, Kiên Giang. Nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho trẻ em. Sớm xây dựng công khai chương trình, kế hoạch vắc-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc, sớm báo cáo trong tháng 7-2021.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-xay-dung-lo-trinh-cong-nhan-ho-chieu-vac-xin-20210625001819044.htm