Việt Nam vượt Bhutan trở thành quốc gia đứng đầu châu Á về chỉ số hạnh phúc

Việt Nam đã vượt qua Bhutan trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và số 2 châu Á Thái Bình Dương, Sputnik đưa tin.

Thông tin trên được đưa ra theo dữ liệu của Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh vừa công bố.

Theo bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc (HPI) của NEF, thấy nước có chỉ số HPI cao nhất là Costa Rica (44,7), xếp thứ nhất trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước nằm trong Top 5 lần lượt là Mexico (40,7), Columbia (40,7), Vanuatu (40,6), Việt Nam (40,3).

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đạt 40,3 điểm. Nguồn ảnh: VTC14

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đạt 40,3 điểm. Nguồn ảnh: VTC14

Trong khi đó, Bhutan - đất nước được mệnh danh là “Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới”, với vài triệu dân sống yên ả thanh bình, khung cảnh thiên nhiên kiều diễm dưới chân nóc nhà thế giới, theo bảng xếp hạng của NEF chỉ đứng ở vị trí số 56 thế giới và thứ 13 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo đánh giá của NEF, Việt Nam là một quốc gia có Dấu chân sinh thái thấp cũng như GDP bình quân đầu người kém hơn những nền kinh tế trong khu vực như Hong Kong; song đã “đánh bại các nền kinh tế khác về chỉ số hạnh phúc”.

Đặc biệt, theo NEF, về xếp hạng, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia duy nhất thuộc top 10 bảng xếp hạng có chỉ số Dấu chân sinh thái vừa đủ để môi trường có thể tái sinh kịp với nhu cầu khai thác của con người.

Báo cáo của NEF cũng nêu rõ chỉ số thịnh vượng của Việt Nam thấp hơn những quốc gia trong Top 10 nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế như Hong Kong. Điều này là một bất ngờ khi nền kinh tế Việt Nam kém phát triển hơn cũng như có chỉ số Dấu chân sinh thái chỉ bằng 1/5 so với Hong Kong, qua đó cho thấy tốc độ khai thác tài nguyên chậm hơn.

Ngoài ra, tuổi thọ của người dân Việt Nam cũng được đánh giá cải thiện rõ rệt. Thậm chí theo đánh giá của NEF, chỉ số về tuổi thọ của người Việt Nam còn cao hơn cả Costa Rica, quốc gia đứng hạng đầu về HPI.

Dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) là một thuật ngữ mới được sử dụng vào những năm 1990 bởi các nhà khoa học William E.Rees và Mathis Wackernagel thuộc trường Đại học British Columbia.

Theo đó, dấu chân sinh thái là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ cacbon dioxide, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/viet-nam-vuot-bhutan-tro-thanh-quoc-gia-dung-dau-chau-a-ve-chi-so-hanh-phuc-182412.html