Việt Nam vững vàng khởi động EVFTA bất chấp khó khăn từ dịch bệnh

Hiệp định EVFTA có hiệu lực đúng khoảng thời gian Việt Nam cũng như một số thị trường xuất khẩu đối mặt với làn sóng dịch Covid - 19 lần thứ 2. Mặc dù vậy, bất chấp những khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ ngành cùng doanh nghiệp nỗ lực vươn lên nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quốc tế tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quốc tế tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

EVFTA mở cơ hội tăng trưởng xuất khẩu

Sáng 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU.

Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ thông tin, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong điều kiện bình thường EVFTA giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,2% trong 5 năm đầu thực hiện, hơn 5% trong 5 năm tiếp theo và 7,72% trong 5 năm sau đó. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới, nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp GDP Việt Nam có thể tăng thêm 32% trong giai đoạn 2021 - 2030. Với mức cam kết xóa bỏ thuế lên tới gần 100%, EVFTA sẽ mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu sang EU khoảng 42% vào năm 2025 và khoảng 45% vào năm 2030…

Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã ban hành Kế hoạch thực thi với 5 nhóm nội dung lớn là công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động chi tiết được phân công cho từng bộ, ngành với thời gian triển khai cụ thể.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương khẳng định, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp trong nước còn khá hạn chế.

Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, trên cơ sở kế hoạch của Chính phủ và các nội dung công việc của Bộ Tài chính, kế hoạch thực hiện của Bộ Tài chính xác định các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, công tác xây dựng pháp luật, thể chế trong lĩnh vực tài chính để thực thi EVFTA tập trung vào những nội dung sau: trình Chính phủ ban hành nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 - 2022; hoàn thiện pháp luật thể chế trong lĩnh vực hải quan để thực thi cam kết EVFTA; hoàn thiện pháp luật, thể chế trong lĩnh vực bảo hiểm...

Doanh nghiệp phải tự nâng cấp chính mình

Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. “EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng nên không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; tăng cường cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai các cam kết theo hiệp định; chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền; ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, nội luật hóa các cam kết, hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA.

“Chính phủ sẽ đảm nhận vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA còn hạn chế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, một trong những tồn tại lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp về EVFTA còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội còn khiêm tốn. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực chất lượng…

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-08-07/viet-nam-vung-vang-khoi-dong-evfta-bat-chap-kho-khan-tu-dich-benh-90618.aspx