Việt Nam với những dấu hiệu ban đầu của xã hội không tiền mặt

Việt Nam đang là một trong những quốc gia thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhanh nhất thế giới, với sự gia nhập thị trường của hàng loạt ông lớn trong ngành này.

Với việc xuất hiện hàng loạt ứng dụng thanh toán trực tuyến như Samsung Pay, Momo, Moca, giờ đây, chỉ cần với một chiếc điện thoại thông minh, không cần tiền mặt, không cần thẻ ATM… bạn vẫn thoải mái, sành điệu thanh toán mọi lúc mọi nơi.

Điện thoại… cứu nguy

Nguyễn Hoàng Tuấn (23 tuổi), đã có 5 năm học tập và làm việc tại Hà Nội, từ thời mới vào đại học, cậu còn phải về quê xin tiền mỗi tháng.

“Mỗi khi đi xe khách lên Hà Nội, mẹ phải lấy kim băng khâu túi quần em lại để khỏi bị rạch mất. Nhưng đến năm thứ 2 thì mẹ chuyển khoản cho em, không còn lo mất trộm”, Tuấn chia sẻ. Đến giờ, thậm chí đi uống cà phê với bạn, Tuấn còn không cần dùng ví.

“Trong một lần đi uống cà phê với bạn gái, em giật mình vì mình quên mang ví, nhưng khi thấy em có Note 8 trên tay, bạn thu ngân bảo: Samsung Pay à anh? Mình vuốt vài cái là thanh toán xong, vừa sành điệu vừa đỡ mất mặt với bạn gái. Quả thực Samsung Pay đã cứu mình khỏi cảnh éo le, chuyển từ cảnh xấu hổ vì quên tiền sang trạng thái sành điệu xài hàng hiệu”, anh kể.

Hàng loạt chuỗi cửa hàng cà phê, ăn uống, siêu thị... đã chấp thuận hình thức thanh toán qua di động.

Theo Tuấn, từ cuối tháng 9 đến nay, nhiều chuỗi cửa hàng cà phê, hàng ăn… đã bắt đầu chấp nhận thanh toán trên di động.

“Ngay cả quán cơm mình và đồng nghiệp hay ăn trưa cũng đặt một mã QR code ở trước cửa để khách thanh toán, tuy chưa nhiều người quen với việc thanh toán bằng QR code nhưng nhìn khá hay”, Tuấn cho biết.

Hiện tại, thay vì đi đâu cũng phải mang theo ví tiền thì nay Tuấn chỉ cần mang theo chiếc điện thoại Samsung mà vẫn có thể mua sắm bình thường tại Hà Nội mà không dùng tiền mặt.

Xu hướng toàn cầu

Thực tế cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng không chỉ trên thế giới mà cả tại Việt Nam. Chỉ vài tháng trở lại đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ này đã bắt đầu đẩy mạnh tại thị trường trong nước.

Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase năm 2017 khẳng định ví điện tử và thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và mạng lưới các công ty fintech (công ty chuyên về công nghệ trong ngành tài chính) đều đang chạy đua phát triển ví điện tử và thanh toán di động.

Theo ước tính của Forrester Research Inc trên thế giới, thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019, trong đó có vô số cơ hội cho nền tảng thanh toán di động. Tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động sẽ đạt mức 194 tỷ USD năm 2017 và 319 tỷ USD vào năm 2020 theo Javelin và EY.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), tại nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Canada hơn 90% giao dịch hàng ngày của người dân không dùng tiền mặt.

Tại một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan..., hiện tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở khoảng từ 11 - 17%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước châu Âu phát triển như Thụy Điển, Na Uy... chỉ dưới mức 1%.

Samsung Pay đang phát triển rất mạnh tại thị trường Hàn Quốc.

Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia phát triển rất mạnh dịch vụ thanh toán qua di động và thanh toán trực tuyến. Theo đó, Hàn Quốc bắt đầu áp dụng thanh toán di động từ tháng 9/2014 khi Kakao Corp, cho ra mắt công cụ Kakao Pay. Sau đó 1 năm, Samsung cũng chính thức tham gia cuộc chơi với Samsung Pay và nhanh chóng dẫn đầu. Dịch vụ Samsung Pay đã xử lý hơn 1 tỷ USD giao dịch tại Hàn Quốc chỉ sau 6 tháng kể từ khi ra đời.

Tại Hàn Quốc, có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý IV/2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó. Ngoài Hàn Quốc, Samsung Pay hiện cũng đã triển khai mở rộng tại 18 thị trường khác bao gồm cả Việt Nam.

Smartphone góp phần đẩy lùi tiền mặt

Tại Việt Nam, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích đẩy mạnh.

Trả lời trong phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội cách đây không lâu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN vẫn đang khuyến khích và yêu cầu các Tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt để giảm chi phí trong hoạt động thanh toán, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ lãi suất cho vay. Lãnh đạo cao nhất tại NHNN cho biết trong năm vừa qua, chỉ có khoảng 11% trên tổng số các giao dịch thanh toán là sử dụng tiền mặt.

Trong khi đó, Chính phủ cũng đã công bố đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đồng thời, toàn thị trường có ít nhất 300.000 máy POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu lượt mỗi năm.

Báo cáo của NHNN cho thấy, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45 % vào tháng 8/2017.

Việt Nam cũng được đánh giá là nước có nhiều lợi thế để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với thị trường bán lẻ lên tới 118 tỷ USD (2016) cùng với đó là hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành (6/2017) và dự kiến tăng lên 150 triệu thẻ vào năm 2018.

Chiếc điện thoại có thể là chìa khóa để dần đẩy lùi tiền mặt khỏi đời sống. Những người trẻ thế hệ 8X, 9X và đặc biệt là từ thế hệ 2K (sinh từ năm 2000 trở lại đây) đã bắt nhịp với xu hướng hiện đại cực nhanh. Thay vì thế hệ cha mẹ tay ôm chặt ví tiền khi ra ngoài mua sắm thì những chàng trai cô gái hiện đại chỉ cần cầm điện thoại, vuốt, chạm là thanh toán.

Lượng dân số Việt Nam dùng martphone cùng tăng mạnh từ 20% năm 2013 lên tới 72% vào năm 2016. Ở góc độ vĩ mô, theo nghiên cứu của McKinsey Global Institute, việc phát triển thanh toán trực tuyến có thể tăng 6%, hoặc 3.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025.

Số liệu được ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina, cho biết Samsung Pay ra mắt từ cuối tháng 9 vừa qua đến nay đã có hơn 160.000 người dùng ứng dụng với hơn 50.000 thẻ được đăng ký tích hợp vào Samsung Pay và hơn 148.000 giao dịch đã được thực hiện.

Sự phát triển của Samsung Pay cùng sự tiên phong của nhiều người mẫu, diễn viên, giới tài chính… có thể sẽ dẫn dắt một xu hướng mới, xu hướng thanh toán di động với nhiều ưu việt như tiện dụng, bảo mật tại Việt Nam.

Mộc Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-voi-nhung-dau-hieu-ban-dau-cua-xa-hoi-khong-tien-mat-post808261.html