Việt Nam vào nhóm các quốc gia phát triển internet nhanh nhất châu Á

Ngày 22-11, Hiệp hội Internet Việt Nam đã kỉ niệm 20 năm internet Việt Nam. Chính thức gia nhập mạng internet toàn cầu từ ngày 19-11-1997, sau 20 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất châu lục.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới. Việt Nam nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á. Cùng với internet, hàng tỉ người trên khắp thế giới đã được kết nối với nhau. Tại Việt Nam, internet đã len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Từ bác sĩ, kĩ sư, hay công nhân, nông dân…đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet.

Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng hiện đại, phủ rộng trên khắp lãnh thổ. Việt Nam cũng đã hình thành được nhiều doanh nghiệp hạ tầng internet hùng mạnh như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam…và các doanh nghiệp nội dung số như VNG, VTC, VC CORP…

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện

Là một trong những người có công đưa internet về Việt Nam, TS Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông nhấn mạnh: "Internet đã làm nên điều kì diệu. Bản thân chúng tôi khi đó cũng không thể hình dung được, sau 20 năm, internet lại có thể làm ra cuộc cách mạng lớn lao như vậy. Hiện giờ, một chiếc smartphone có thể có đầy đủ tính năng như ghi âm, báo thức, xem thời tiết, đọc báo, thậm chí như một ví tiền để thanh toán. Trong 20 năm qua, internet đã kết nối con người. Trong 20 năm tới, internet sẽ kết nối mọi thứ" – ông Trực nói.

5 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ (2007-2017)

Tại lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (22-11-2017), Hiệp hội Internet Việt Nam đã công bố 5 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ (2007 - 2017) gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, MobiFone và CMC Telecom.

Viettel:

Viettel được biết đến là nhà mạng có vùng phủ 3G và 4G rộng nhất hiện nay. Đây chính là sức cạnh tranh của nhà mạng này và tạo điều kiện cho người dân được sử dụng dịch vụ băng rộng di động. Mới đây, cuối năm 2016 Viettel đã tuyên bố xây dựng mạng 4G rộng như mạng 2G. Với hạ tầng gần 36.000 trạm phát sóng 4G, Viettel đã đem dịch vụ này đến 95% diện tích dân số trên lãnh thỏ Việt Nam. Viettel là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ. Viettel cũng thể hiện quyết tâm hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối Internet tốc độ cao để làm việc, học tập và giải trí cũng như mọi tiện ích của cuộc sống.

VNPT:

VNPT được biết đến là nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định lớn nhất nhiều năm qua. mấy năm gần đây, khi dịch vụ ADSL thoái trào thì VNPT thì đã làm cho thuê bao Internet cáp quang của nhà mạng này phát triển bùng nổ. Hiện VNPT đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet cáp quang mạnh nhất hiện nay. Bên cạnh dịch vụ Internet băng rộng cố định, mạng VinaPhone của VNPT cũng có vùng phủ 3G rộng nhất và đang tập trung mạnh cho việc phát triển 4G.

FPT Telecom:

FPT Telecom được thành lập ngày 31/1/1997, FPT là đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông. Sau 20 năm phát triển, FPT Telecom đã có tên Top 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định hàng đầu tại Việt Nam. Để cung cấp dịch vụ Internet với chất lượng cao nhất cho các khách hàng, làm chủ hạ tầng là một mục tiêu của FPT Telecom. Hiện FPT Telecom sở hữu hạ tầng viễn thông lớn với tổng chiều dài trên 9.200 km bao gồm tuyến đường trục Bắc – Nam; tuyến đường trục Tây Nguyên; tuyến đường trục kết nối quốc tế với Trung quốc, Cambodia, Lào và các tuyến trục liên tỉnh kết nối 59 tỉnh thành trên toàn quốc.

FPT Telecom đang nỗ lực hiện thực hóa chiến lược phát triển gồm 5 hướng chính: phủ rộng rãi trên toàn quốc dịch vụ cốt lõi là Internet có chất lượng cao cho khách hàng; phát triển dịch vụ truyền hình FPT; phát triển các dịch vụ OTT như FPT Play, Fshare, Star Talk; bắt kịp xu hướng IoT; và toàn cầu hóa.

MobiFone:

MobiFone được biết đến như nhà cung cấp dịch vụ 3G và 4G hàng đầu Việt Nam hiện nay. Hiện MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ 3G và 4G có gói cước tốt nhất hiện nay. MobiFone xác định 4G là một chiến lược đặc biệt quan trọng và đầu tư mạnh nhằm cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần. MobiFone sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ và tiện ích hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng sử dụng 4G. Hiện nay, MobiFone tập trung xây dựng hạ tầng cả 3G và 4G. Tính đến thời điểm này, số lượng trạm 3G của MobiFone đã nhiều hơn số trạm 2G nên đảm bảo chất lượng dịch vụ dữ liệu cung cấp cho khách hàng. MobiFone triển khai mạng 4G theo tiêu chí nơi nào có sóng 4G nơi đó chất lượng mạng MobiFone phải tốt nhất.

CMC Telecom:

Tuy không phải là doanh nghiệp Internet có thị phần lớn nhất nhưng CMC Telecom được đóng vai trò là doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ GPON vào Việt Nam mà đến thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng. Với lợi thế về hạ tầng cùng công nghệ cáp quang tiên tiến và hệ thống dịch vụ giá trị gia tăng tiện ích, tích hợp trên cùng một hệ thống CMC telecom được đánh giá là nhà cung cấp viễn thông tốt nhất cho những khách hàng chuỗi cửa hàng lớn trên cả nước. CMC Telecom - doanh nghiệp viễn thông Internet 100% vốn tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển thị trường Internet mang tính cạnh tranh hơn. Bằng việc liên doanh với Tập đoàn Time dotCome của Malaysia, CMC Telecom đã kết nối cung cấp dịch vụ viễn thông (bao gồm Internet) đạt tiêu chuẩn quốc tế tới 21 quốc gia trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế hình ảnh của Internet Việt Nam nói riêng, viễn thông nói chung lên một tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao kỷ niệm chương cho 5 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet .

(An An)

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG cho rằng, trong 10 năm tới, cạnh tranh trong lĩnh vực internet sẽ không còn biên giới. Khi mở cửa với thế giới, sẽ ngày càng có nhiều các tập đoàn toàn cầu vào Việt Nam, đặt ra vấn đề cần quản lí các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp Việt. "Dù muốn hay không, Việt Nam không thể đóng cửa dịch vụ của các "ông lớn" từ nước ngoài như Facebook, Google...Trong 10 năm tới, internet sẽ thay đổi khủng khiếp, ngành nội dung số thể đạt tới 40-50% GDP chứ không chỉ 2% như hiện nay. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam diễn ra quá nhanh khiến các cơ quan quản lí không phản ứng kịp. Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Khi đối đầu với các "gã khổng lồ", nếu các doanh nghiệp Việt không bắt tay hợp tác với nhau thì tất cả chúng ta đều là người thua cuộc" – ông Minh nói.

Các doanh nghiệp chia sẻ về thách thức cạnh tranh trong lĩnh vực internet

Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp cũng cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài không bị ràng buộc bởi chế tài trong nước nên rất khó quản lí. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt tài chính yếu hơn lại còn bị "trói tay" bởi nhiều ràng buộc. Theo ông Tân, Việt Nam chỉ còn một thế mạnh duy nhất là nội dung số, hiện còn giữ được khoảng 45-50% thị phần. "Chúng ta có doanh thu khoảng 1 tỉ USD ở lĩnh vực nội dung số. Khi internet mở cửa xuyên biên giới, đây sẽ là lãnh địa cuối cùng nhưng lại là trận đánh quan trọng nhất" – ông Tân nhấn mạnh.

10 nhân vật ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ

Ngày 22-11-2017, Hiệp hội Internet đã công bố kết quả bình chọn 10 cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ (2007 - 2017) do Hiệp hội Internet và ICTnews phối hợp tổ chức.

10 cá nhân này được bình chọn trên danh sách 21 cá nhân được đề cử do các nhà báo theo dõi lĩnh vực CNTT, doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đề cử. Các đề cử và bình chọn dựa trên các tiêu chí như: Cá nhân có đóng góp xuất sắc, hiệu quả về chính sách, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển thuê bao Internet, đưa dịch vụ truy cập Internet đến với nhiều người dân, cá nhân có đóng góp xuất sắc về phát triển ứng dụng, dịch vụ gia tăng, dịch vụ nội dung số trên Internet cho người dùng Việt Nam, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho việc thúc đẩy môi trường Internet an toàn, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh đối với kinh doanh Internet tại Việt Nam.

10 cá nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ (2007 - 2017) do Hiệp hội Internet và ICTnews phối hợp tổ chức.

Danh sách 10 nhân vật được sắp xếp theo vần ABC:

- Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT;

- Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC;

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel;

- Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT;

- Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam;

- Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG;

- Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav’

- Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT;

- Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpress;

- Ông Mai Liêm Trực, Nguyên thứ trưởng Bộ BCVT.

(An An)

Về câu chuyện cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: "Chúng tôi đã cố gắng để có chính sách cởi mở hơn. Đúng là các chính sách hiện nay gần như đang bảo hộ cho các doanh nghiệp ngoại. Ví dụ, các doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam được miễn phí trong khi doanh nghiệp Việt phải thuê, lại bị quản lí chặt chẽ. Cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp trong nước".

H. Ly - An An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/viet-nam-vao-nhom-cac-quoc-gia-phat-trien-internet-nhanh-nhat-chau-a-467502/