Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 0,36% trong quý II/2020

Trong bối cảnh kinh tế thế giới hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, GDP quý II/2020 của Việt Nam vẫn tăng 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước,

Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 0,36% trong quý II/2020

Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt 0,36% trong quý II/2020

Dù là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng mức tăng GDP 6 tháng vẫn là kết quả đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam.

Trong mức tăng trưởng 1,81% của 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Tổng cục Thống kê nhận định sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020. Tuy nhiên do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.

Đáng chú ý, sau 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.

Hoạt động thương mại, vận tải trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 431 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải trong nước tháng 6 cũng tiếp tục xu hướng khôi phục trở lại với mức tăng 13,4% lượng hành khách vận chuyển và tăng 7,3% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước.

Tuy nhiên, du khách quốc tế là một nốt trầm lớn khi trong tháng 6 chỉ có 8,8 nghìn lượt người, giảm 61,3% so với tháng trước và giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.744,5 nghìn lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, tín hiệu đáng chú ý là vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước tính đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP (quý II/2020 đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4%).

Về xuất nhập khẩu, dù tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước (đạt 238,4 tỷ USD) trong đó xuất khẩu giảm 1,1%, nhập khẩu giảm 3% tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu ước tính đạt 4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,7 tỷ USD).

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.

Mặc dù vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Về các vấn đề xã hội, tính đến ngày 10/6/2020, cả nước giải ngân được 10,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; người lao động 50,5 tỷ đồng; hộ kinh doanh 2,6 tỷ đồng...

Lê Nguyễn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/viet-nam-van-tang-truong-duong-dat-036-trong-quy-ii2020-20180504224240410.htm