Việt Nam vẫn phải sử dụng nhiệt điện than?

Việt Nam rất khó để dừng đầu tư nhiệt điện than ngay lập tức trong bối cảnh nhiều nước đang dần quyết liệt với loại năng lượng gây ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được nhìn nhận như là "điểm nóng" đầu tư. Báo cáo được thực hiện bởi 3 tổ chức Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm cho biết dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng trong năm 2017 nhưng Việt Nam đang có một số lượng lớn các dự án được đề xuất đang trong giai đoạn phát triển. Nếu tính theo cơ cấu, để cung cấp năng lượng, nhà máy nhiệt điện than đang đứng thứ 2 (34,3%), chỉ sau nhà máy thủy điện (37,6%).

Trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho biết, theo Quy hoạch Điện VII, tính đến năm 2020, tổng công suất của hệ thống điện dự kiến là 67.000 MW trong đó tỷ lệ điện than tăng lên 46%, trong khi thủy điện là 26,4%, năng lượng tái tạo chỉ là 4,7%. Còn tính đến năm 2030, tổng công suất của hệ thống là 137.000 MW, nhiệt điện than là chiếm 55,7%, năng lượng tái tạo 3,8%. Như vậy, số lượng nhà máy điện nhiệt than tại Việt Nam tăng lên nhiều.

Bài toán năng lượng, để bắt kịp với xu hướng của thế giới, với hiện trạng như vậy là không dễ dàng. Trao đổi với báo chí, ông Tứ nói rằng cần phải tiến hành hai biện pháp song song. Thứ nhất là có chính sách và chiếnược phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối… Thứ hai là giảm dần sự phụ thuộc vào điện than bởi đối với bối cảnh Việt Nam, việc dừng ngay lập tức đầu tư là không khả thi.

Còn tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông Hưng cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW.

Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu. Nguồn thủy điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết. Nhiệt điện khí trong nước trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao… Trong khi đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2030 với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 và 2026 - 2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, năm 2030 cũng như những năm tiếp theo, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để có cái nhìn khách quan hơn, trên báo giấy số 101 báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ trích đăng bài viết của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xung quanh vấn đề này.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/viet-nam-van-phai-su-dung-nhiet-dien-than-141922.html