Việt Nam và tương lai của sự dịch chuyển

Triển vọng và động lực tăng trưởng của Việt Nam thể hiện khá rõ nét qua nhiều dấu hiệu tích cực - từ quá trình đô thị hóa đang diễn ra cho đến dòng đầu tư vào thị trường trong nước, và sự mở rộng của các ngành và lĩnh vực công nghiệp.

Tác giả Trần Hồng Vân, Tổng giám đốc Công ty Shell Việt Nam

Thị trường xe ô tô tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, dựa trên các động lực tích cực từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng quan tâm hơn đến phân khúc xe ô tô, thay vì các mẫu xe máy truyền thống.

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (IPSI) dự báo mức tiêu thụ xe ô tô đến năm 2025 sẽ tăng từ 750.000 đến 800.000 xe. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, xe máy vẫn sẽ là phương tiện di chuyển chủ yếu trên đường, với 70.000 người dự đoán sẽ tiếp tục sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính vào năm 2030.

Song song với viễn cảnh tích cực về triển vọng của thị trường ô tô xe máy Việt Nam, là những quan ngại về tác động của các phương tiện giao thông đối với môi trường.

Làm sao để dịch chuyển một cách bền vững đã trở thành chủ đề quan trọng, trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc nắm bắt các hệ thống dịch chuyển hiệu quả là tất yếu, và sẽ là một bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại tại những thành phố đang phát triển và giảm tác động đến môi trường.

Những hệ lụy về ô nhiễm môi trường do giao thông cơ giới là một thực trạng đáng báo động ở Việt Nam.

Báo cáo năm 2017 do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) trình bày tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội cao gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

GreenID gần đây cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.000 người dân Hà Nội, kết quả cho thấy giao thông vận tải được cho là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố.

Theo định hướng từ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, các cơ sở sản xuất được khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm phát thải khí thải thông qua các cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước. Kế hoạch này cũng khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải.

Chính phủ Việt Nam đang xây dựng lộ trình thực hiện cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giảm phát thải 8% so với hiện tại vào năm 2030 và giảm tối đa 25%, nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế. Một đề xuất đã được trình Chính phủ Việt Nam liên quan đến các ngành công nghiệp và thương mại, giao thông, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vấn đề về môi trường đang trở nên ngày càng nghiêm trọng do các hệ lụy từ tiến trình công nghiệp hóa. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất trong giai đoạn tiếp theo là làm sao để kiểm soát chặt chẽ các nguồn khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp và giao thông.

Đáp ứng nhu cầu dịch chuyển và giao thông vận tải một cách hiệu quả là vô cùng cấp thiết, và Việt Nam rõ ràng đã đặt ra được các mục tiêu để làm sao xây dựng được các hệ thống này trong khi vẫn đảm bảo sức khỏe của người dân và môi trường. Chúng tôi nhận thấy những doanh nghiệp như Shell cũng có vai trò trong nhiệm vụ này. Là nhà cung cấp dầu nhớt Số 1 thế giới trong 12 năm liên tiếp, Shell đã phát triển các sản phẩm nhiên liệu vận tải hiệu quả hơn cho khách hàng và tập trung vào việc cải thiện hiệu quả nhiên liệu cho người lái xe cá nhân. Chúng tôi giúp khách hàng giảm tác động lên không khí bằng cách sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên phong và hàng đầu của chúng tôi.

Không dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm tiên phong, đột phá cho các loại động cơ, Shell còn mong muốn truyền cảm hứng cho các kỹ sư tương lai của Việt Nam xây dựng một tương lai của sự dịch chuyển bền vững và đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển ngày một tăng.

Thông qua cuộc thi Shell Eco-marathon - một trong những sự kiện hàng đầu thế giới về sử dụng năng lượng hiệu quả, sinh viên được thử thách thiết kế, chế tạo và thử nghiệm những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu, phá vỡ các giới hạn về mặt kỹ thuật.

Kể từ năm 2011, Shell đã hỗ trợ 52 đội Việt Nam với hơn 200 sinh viên tham gia các kỳ sự kiện Shell Eco-marathon châu Á. Sinh viên kỹ thuật Việt Nam cũng đã giành được nhiều thành tích đáng tự hào tại cuộc thi này, đặc biệt các giải thưởng cao trong hạng mục nhiên liệu mới như pin điện hay Ethanol.

Tương lai của sự dịch chuyển là một câu chuyện thật sự thú vị và nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ tất cả các bên như chính phủ, các bộ ngành, các viện nghiên cứu, các cá nhân kết hợp với các doanh nghiệp như Shell thì chắc chắn một tương lai dịch chuyển và giao thông bền vững và hiệu quả trong tương lai sẽ không còn xa.

Trần Hồng Vân (Tổng giám đốc Công ty Shell Việt Nam)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-va-tuong-lai-cua-su-dich-chuyen-d93320.html