Việt Nam và Trung Quốc sớm thống nhất vùng đánh cá chung

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến trong tháng 9/2020, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức họp trực tuyến liên quan đến Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giai đoạn mới, nhằm thống nhất, ký kết hiệp định, giúp ngư dân được khai thác an toàn, hiệu quả.

Trong khi chờ đàm phán Hiệp định mới, ngư dân không sang vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản Ảnh: Bình Phương

Trong khi chờ đàm phán Hiệp định mới, ngư dân không sang vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản Ảnh: Bình Phương

Hỗ trợ kịp thời ngư dân

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, việc Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (Hiệp định) hết hiệu lực cần phải thông báo rộng rãi đến ngư dân, đặc biệt là những địa phương có đội đi đánh bắt ở vùng đánh cá chung. Bởi ngư dân trên biển, không phải lúc nào cũng cập nhật đầy đủ những thông tin này.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Thắng cho rằng, trong khi chờ Hiệp định mới được đàm phán, ký kết, ngư dân cần tuân thủ khai thác trong khu vực đã được Bộ NN&PTNT chỉ rõ và tuân phủ pháp luật của Việt Nam.

“Dẫu vậy, không phải tất cả tàu cá đều được đánh bắt trong vùng đánh cá chung, tàu được cấp phép mới được đánh bắt, nên họ cũng có những hiểu biết nhất định, trong việc tuân thủ các quy định ở khu vực này”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng, lâu nay, ở vịnh Bắc Bộ không phải là khu vực giàu về nguồn lợi thủy sản. Trong khi đó, lượng tàu cá cả hai bên, đặc biệt là phía Trung Quốc sử dụng tàu to đánh bắt nhiều hơn, lấn át khai thác nên ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững của nghề cá, cần lưu ý trong việc hợp tác tới đây.

Liên quan đến thông tin hàng nghìn tàu cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã tràn xuống khu vực Biển Đông sau khi cái gọi “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” (do Trung Quốc đơn phương ban hành thực hiện từ 1/5 đến 16/8/2020) hết hiệu lực, Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam khẳng định, Việt Nam phản đối và khẳng định quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quy chế đơn phương nói trên xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.

“Việc hết thời hạn của quy chế nói trên là việc của phía Trung Quốc. Các cơ quan chấp pháp của Việt Nam như Cảnh sát biển, Kiểm ngư… cần hiện diện trên vùng biển của mình để ngăn chặn tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp, bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi và hỗ trợ ngư dân ta trên vùng biển chủ quyền của mình”, ông Thắng nói.

Ông Thắng khuyến cáo ngư dân nên tổ chức đi khai thác theo đoàn, tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau, khi có sự cố cần thông tin kịp thời cho các lực lượng chức năng trên biển để có biện pháp hỗ trợ.

Sẽ họp với Trung Quốc trong tháng 9

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi đến các địa phương ven biển về việc Hiệp định hết hiệu lực, để thông tin, khuyến cáo ngư dân không đi đánh bắt vượt sang phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.

Ông Hùng cho biết, trong vùng đánh cá chung của hai nước có quy định cả về số lượng và khống chế tổng công suất, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do vậy, nếu tàu cá của Trung Quốc to, công suất lớn, số lượng sẽ ít đi, còn nếu tàu cá Việt Nam nhỏ hơn, số lượng sẽ nhiều hơn.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện cả Việt Nam và Trung Quốc đều có dự thảo Hiệp định mới và đã trao cho nhau để nghiên cứu. “Trên cơ sở dự thảo Hiệp định, trong bối cảnh dịch COVID-19, dự kiến trong tháng 9/2020, hai bên sẽ tổ chức trực tuyến nhằm sớm thống nhất, ký kết hiệp định, giúp ngư dân được khai thác an toàn, hiệu quả trên biển”, ông Hùng nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong khi chờ đàm phán Hiệp định mới, ngư dân không sang vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản. Cùng đó, cần kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển về đường dây nóng 24/24 của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024-62737323.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/viet-nam-va-trung-quoc-som-thong-nhat-vung-danh-ca-chung-1716373.tpo