Việt Nam và câu chuyện rác thải

Vừa mới đây, Bộ TN&MT đã phối hợp cùng Đại diện Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong nước đã phát động phong trào chống rác thải nhựa

Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ

Vấn đề tác hại hậu quả khôn lường của rác thải nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người lần nữa được các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường nhấn mạnh. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ 27% trong số này được xử lý và tái chế.

Cụ thể, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước (thế kỷ 20), hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy. Chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Hiện, rác thải nhựa có rất nhiều ở đáy biển và đang trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon/ngày. Như vậy, hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đặc biệt là đối với một đất nước có có hơn 3.000 km bờ biển như Việt Nam . Theo đó, ông đề nghị mọi cấp, mọi ngành, mọi người cùng chung tay chống lại rác thải nhựa bằng cách hạn chế sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là túi nylon.

“Ngay bây giờ tôi kêu gọi cộng đồng cùng chung tay chống rác thải nhựa với những hành động cụ thể. Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nylon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Thứ hai là xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Ba là phát động phong trào "Chống rác thả nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường…” – Bộ trưởng Hà nói.

Ông Hà đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại… nói không với việc sử dụng túi nylon thay vào đó là sử dụng các túi đựng thân thiện với môi trường. Ông cũng cho hay Bộ TN&MT sẽ tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, đồ nhựa dùng một lần.

Nhiều giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu

Theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, lũ đã gây thiệt hại cho vùng ĐBSCL 1.548,12ha lúa; gây sạt lở, vỡ bờ bao ở Tam Nông, Đồng Tháp và Long Xuyên, An Giang. Đặt biệt, trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng từ lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước cao nhất đo được tại Mỹ Thuận là 2,07m, Cần Thơ 2,23m, đều vượt số liệu lịch sử 40 năm qua (từ 1977 - 2017) gây ngập cho nhiều vùng tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.

ĐBSCL đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh Baotainguyenmoitruong.vn

trước tình hình này, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2018 và Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp.

Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam) cho rằng, theo chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu 2018, Việt nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, hơn 1% GDP quốc gia thiệt hại, mức thiệt hại có thể tăng từ 3-5% GDP vào năm 2030.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó cũng như khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, trong giai đoạn 2016 - 2018, Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ 8 triệu USD cho hơn nửa triệu người dân Việt Nam để giải quyết các vấn đề về cuộc sống như: nước sạch, môi trường, y tế, nhà ở… do thiên tai gây ra.

Còn ông Laurent Umans - Bí thư Thứ nhất về Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu - Đại sứ quán Hà Lan cũng nêu thực trạng, thiên tai là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể ngặn nó trở thành thảm họa. Hiện nay, khu vực Mê Công đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm. Đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây

Theo ông Nguyễn Trường Sơn ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ NN&PTNT, từ thực tiễn và diễn biến của thiên tai, BĐKH; Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã và đang tập trung đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại trên nguyên tắc và các ưu tiên của Khung hành động Sendai, Việt Nam đang điều chỉnh Chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai từ Trung ương đến cấp xã; lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành

Trong đó, các giải pháp phi công trình như: bảo vệ và phát triển rừng và các hệ sinh thái, quản lý việc khai thác tài nguyên một cách bền vững; chuyển đổi sinh kế cho người dân để chủ động thích ứng với thiên tai, BĐKH; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai… Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực hiện các cam kết và cùng quản lý, khai thác bền vững các con sông quốc tế để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Ba cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ở Thanh Hóa bị mất chức

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa vừa ký hủy bỏ, thu hồi ba quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ công tác tại Sở này.

Theo đó, Giám đốc Đào Trọng Quy bãi bỏ quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức đối với ông Lê Đình Quý, nhân viên văn phòng Sở; bà Vũ Thị Huyền công tác tại Chi cục Biển và Hải đảo với lý do nâng ngạch công chức không đúng quy định. Bà Huyền còn bị hủy quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng Chi cục Biển và Hải đảo do không đáp ứng điều kiện bổ nhiệm.

Sở này cũng bãi bỏ quyết định tuyển công chức không qua thi tuyển, điều động, bổ nhiệm không đúng quy định đối với ông Vũ Đình Hùng, viên chức Đoàn mỏ, địa chất về nhận công tác tại phòng Tài nguyên khoáng sản và được bổ nhiệm Phó phòng này.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.

Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, đây là những trường hợp được xét tuyển, nâng ngạch công chức trái với các quy định. Những cán bộ nêu trên được ký tuyển dưới thời Giám đốc cũ là ông Vũ Đình Xinh (đã nghỉ hưu năm 2015).

Trước đó, ngày 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo các sở, ngành và 27 huyện thị, thành phố rà soát việc tuyển dụng từ tháng 5/2010 đến nay. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và phát hiện nhiều cán bộ được tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định như trên.

Đầu tháng 9, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân cũng ký quyết định hủy bỏ việc điều động, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ không đúng quy định.

Ngoài các Phó phòng Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thông tin, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường bị cho thôi chức còn có bảy cán bộ khác công tác tại các phòng, ban thuộc UBND thành phố Thanh Hóa cũng bị hủy quyết định điều động, chuyển ngạch viên chức sang công chức do chưa đủ tiêu chuẩn.

PV (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/viet-nam-va-cau-chuyen-rac-thai-post22931.html