Việt Nam và các nước SADC: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày thành lập Cộng đồng phát triển Miền Nam châu Phi (SADC), ngày 17/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán các nước Angola, Mozambique và Nam Phi tổ chức Hội thảo 'Phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ'.

Hội thảo có sự góp mặt của Đại sứ Angola, Đại sứ Mozambique và Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam

Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) là một cộng đồng kinh tế khu vực gồm 15 nước thành viên với gần 280 triệu dân. Trong vòng 10 năm qua, khu vực này đã thu hút đầu tư được khoảng 500 tỷ USD, và khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Sự liên kết của 15 quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa, giàu tiềm năng kinh tế và có nhiều cơ hội phát triển, đã không chỉ tạo nên một thị trường nội khối rộng lớn, mà còn góp phần thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các châu lục và quốc gia khác, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực nói chung và mỗi quốc gia trong Cộng đồng nói riêng.

Cộng đồng người Việt sinh sống và làm ăn tại các nước châu Phi nói chung và các nước miền Nam châu Phi nói riêng cũng như công dân các nước này sang Việt Nam làm ăn đang ngày càng tăng. Những biểu hiện đó cho thấy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi nói chung và các nước miền nam châu Phi nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Đỗ Đức Định - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Hợp tác Việt Nam – Châu Phi cho biết, thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và các nước khu vực ASDC có điểm tương đồng là phần lớn đều có quy mô vừa và nhỏ, thâm chí siêu nhỏ, tuy nhiên khối doanh nghiệp này không chỉ tạo ra sản phẩm thiết thực đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, tăng cường xuất nhập khẩu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm, tăng thu nhập.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, các DNVVN chiếm tới 97%, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và xây dựng. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đưa DNVVN trở thành động lực chính để phát triển kinh tế. Theo đó, Việt Nam cũng đã nghiên cứu và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này phát triển.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những giải pháp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và SADC. Ông Đỗ Đức Định mong muốn Đại sứ quán các nước SADC tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại các nước SADC cùng nghiên cứu tham mưu các cơ chế, chính sách cho nhà nước thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp các nước hợp tác, tạo bước đột phá phát triển kinh tế giữa các bên. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và SADC tiếp tục tăng cường tìm hiểu, trao đổi, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của nhau; tiếp tục phối hợp trong việc trình Chính phủ các nước tháo gỡ vướng mắc, tạo dựng môi trường hợp tác, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan ngoại giao của các nước SADC cần quan tâm thông tin kịp thời, đầy đủ về những cơ hội, tiềm năng hợp tác tại các nước đó cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuấn Vũ - Nguyễn Hường

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/viet-nam-va-cac-nuoc-sadc-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-doanh-nghiep-vua-va-nho-107511.html