Việt Nam và bản lĩnh hòa hiếu

Hơn 60 năm qua, hoạt động Đối ngoại nhân dân (ĐNND) luôn song hành cùng lịch sử đất nước, góp phần quan trọng làm nên một Việt Nam hôm nay. Sức mạnh của ĐNND Việt Nam được hun đúc từ phẩm cách, bản lĩnh hòa hiếu của dân tộc, được vạch đường chỉ lối dưới tư tưởng Hồ Chí Minh và một chính Đảng vì dân.

Năm 1968, một nhóm nữ sinh của Đại học California - Berkeley, Mỹ, biểu tình để phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhiều hoạt động phản đối hành động quân sự của Washington tại Việt Nam diễn ra trong lòng nước Mỹ. Ảnh:History.com

Năm 1968, một nhóm nữ sinh của Đại học California - Berkeley, Mỹ, biểu tình để phản đối chiến tranh Việt Nam. Nhiều hoạt động phản đối hành động quân sự của Washington tại Việt Nam diễn ra trong lòng nước Mỹ. Ảnh:History.com

Cuộc trùng phùng của đạo lý

Lần đầu nghe thầy giảng bài thơ "Emily con" của Tố Hữu, lớp chúng tôi xúc động mãnh liệt. Lúc đó chiến tranh đang rất tàn khốc. Hàng vạn người con của quê hương tôi một đi không trở lại. Những bàn thờ trong các gia đình ngày một dày thêm hương khói. Thế nhưng hình ảnh Morrison, người anh hùng đã tự thiêu trước Lầu Năm góc để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam đã chói chang giữa đêm đen của chết chóc, xa cách, đau thương. Dường như nó vượt trên cả thù hận, gieo vào tâm hồn chúng tôi những tiếng gọi tha thiết của tình người, của đoàn kết, hòa bình. Gần gũi và mãnh liệt.

Khi trưởng thành, tôi mới hiểu, hàng triệu cái chết của binh lính và thường dân, vô số của cải đốt vào chiến tranh chưa đủ làm nên hòa bình, chưa đủ chiến thắng hung tàn. Nhưng ngọn lửa Morrison đã đốt lên một cuộc chiến giữa lòng nước Mỹ. Cuộc chiến đó không dùng vũ lực nhưng mạnh mẽ hơn trùng trùng gươm giáo. Cuộc chiến đó không tàn phá dinh lũy kẻ thù mà nhóm lên giữa loài người ngọn lửa lương tri, giội vào từng trái tim cả ta và địch tiếng gọi tha thiết của tấm lòng.

34 năm sau (năm 1999), khi là cán bộ đối ngoại, một sáng thanh xuân giữa Hà Nội tôi đã gặp Emily và Anne Morrison Welsh, mẹ của Emily và tức là vợ Morrison. Tất cả những người có mặt hôm đó, cả Việt Nam và Mỹ dù chưa biết gì về nhau, không có chút tương giao nào nhưng đều bật khóc. Cõi lòng như mở toang, vỡ òa, bay vút lên thinh không. Mọi nghi lễ, chức vụ được gác bỏ. Chỉ có tâm tình, siết tay và ngấn lệ. Đó là cuộc trùng phùng của tình người. Nó là đích cao nhất của cõi nhân sinh này. Nó có ở trong bất cứ tâm hồn ai. Thế nhưng phải trong những hoàn cảnh đặc biệt như vậy nó mới được tác thành. Hãy hiểu khái niệm ĐNND là như vậy. Còn theo chữ nghĩa thì ĐNND là hoạt động dân vận, vận động nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, cũng như cho mục đích hòa bình, hữu nghị và phát triển trên toàn thế giới. ĐNND là một lĩnh vực hợp thành cùng hệ thống đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nó có sức mạnh trực tiếp vào trái tim, có khả năng khơi dậy và quy tụ phần cao đẹp nhất của con người thành những dòng thác mạnh mẽ phi thường.

Sự dẫn dắt của con tim

Bắt đầu cùng nhiều hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết của Việt Nam trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ ra đời. Khiến cho ở cách xa nhau nửa địa cầu, khác nhau về ngôn ngữ, màu da; thế nhưng vì tiếng gọi của chính nghĩa, vì sự ngưỡng vọng và rung động bởi lý tưởng cao đẹp, sự đòi hỏi của lương tri nên cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta đã khiến hàng chục người trên thế giới đã tự đốt cháy thân mình vì hai chữ "Việt Nam". Điển hình là ngọn lửa Norman Morrison. Hàng triệu người yêu hòa bình, yêu tâm hồn và khí phách Việt đã tổ chức các phong trào phản chiến không biên giới. Nhân loại vì Việt Nam mà đã xích lại gần nhau hơn, đã nhận ra nhiều hơn giá trị của thế giới con người. Những sức mạnh đó đã khiến cho sự hung tàn của B52, tên lửa, tàu ngầm… phải chùn bước.

ĐNND đã góp phần quan trọng cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng như vậy, trong kháng chiến chống Pháp khi những tổ chức như Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam vẫy gọi thì Raymondien, Henri Martin đã xuống đường. Và rùng rùng chuyển động những phong trào phản chiến nổ ra ngay trong lòng nước Pháp. Sức mạnh của quần chúng chính nghĩa lay động thành Paris khiến sự phân hóa xuất hiện giữa chính trường "mẫu quốc".

Vòng tay Việt - Mỹ

Vào những năm Việt Nam vẫn bị cấm vận, Chính phủ hai nước Việt - Mỹ đang tìm những bước đi khó nhọc tiến đến bình thường hóa quan hệ. Thông qua ĐNND các đoàn cựu binh Việt - Mỹ được tổ chức đua xe xuyên Việt. Những người đàn ông phong sương từng đi qua một cuộc chiến đẫm máu bỗng tưng bừng, hớn hở sát cánh bên nhau suốt chặng đường dài. Cách đó 15, 20 năm, cũng chính trên mảnh đất này, họ đã săn lùng nã đạn vào nhau. Bàn tay họ đã dính máu và thân thể vẫn còn thương tích. Đồng đội và bà con họ đã ngã xuống đây có thể vì họng súng của chính người đang uống chung li nước với họ hôm nay.

Nhưng đó là nỗi đau, là màn đêm đen tối trong lịch sử quan hệ hai nước. Nay họ là những người cha, người anh, người bạn… và trái tim họ muốn quên đi, muốn được xoa dịu, muốn được sưởi ấm cho nhau. Họ mặc kệ các cuộc đàm phán, các định kiến thị phi. Chính họ là người đáng ra phải hận thù, ám ảnh nhất thì nay họ có thể đấm vào lưng nhau mà hỏi: "Ngày xưa giá mà tao tiến thêm một bước thì chắc là phát hiện thấy mày ở chỗ này. Và "bùm". Vậy thì bây giờ ai chạm cốc với tao?". Trong những người lính đó có không ít người có địa vị cao trong xã hội Mỹ như các thượng nghị sĩ John Mcain, John Kerry (nay là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ)… Và chính họ, khi là chính khách vẫn chưa thể được nói cười, bắt tay và uống rượu với bạn bè Việt Nam thì trong vai một cựu binh, một con người thì trái tim đã dẫn dắt họ đến đây thật sớm…

Trước khúc ngoặt lịch sử quan hệ là Mỹ bãi bỏ cấm vận Việt Nam, thì những hoạt động của ĐNND như: phẫu thuật nụ cười vá môi trẻ em hở hàm ếch, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh đã được nhiều cựu binh và các tổ chức nhân đạo của Mỹ thực hiện thành công ở Việt Nam. Những hoạt động này không chỉ tạo dư luận mở đường cho chính khách mà còn dẫn dắt họ tiến gần hơn lời ước nguyện của tấm lòng, của nhân dân hai nước. Cũng như vậy, nhiều chính khách khi tại nhiệm chưa thể đến với Việt Nam bằng tâm hồn thư thái, bằng nụ cười thân thiện. Khi về hưu họ được cởi bỏ những vướng bận chính trị, được sống thật với lòng mình thì họ tìm về Việt Nam. Bởi vì yêu thương và được yêu thương, sám hối và bao dung là nhu cầu bản ngã của con người dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào. Sức mạnh phi thường của ĐNND là như vậy.

Tổ chức Operation Smile - tổ chức phi chính phủ của Mỹ thường xuyên phẫu thuật nụ cười, vá môi hở hàm ếch cho trẻ em Việt Nam. Ảnh: OS

"Đạo lý làm bạn"

Nhìn lại 60 năm phát triển, trưởng thành của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chúng ta thấy rằng Bác Hồ và Đảng ta đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của hoạt động này. Ngay sau thành lập nước, ngày 17/10/1945 Hồ Chủ Tịch đã thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu tại 13 Lê Thái Tổ (Hà Nội). Lúc đó, Hội này đã có riêng một chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và một tờ báo là cơ quan ngôn luận độc lập. Năm 1946, Bác thành lập Hội Việt - Trung hữu hảo… Nhiệm vụ của các tổ chức này là loan báo, giới thiệu với nhân dân thế giới rằng Việt Nam đã có một chính phủ độc lập và nhân dân Việt Nam muốn làm bạn với nhân dân yêu hòa bình trên toàn thế giới.

Năm 1950, sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phong trào dân chủ quốc tế lên cao, Bác chỉ đạo thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Và lúc này, đất nước chìm vào chiến tranh vệ quốc trong nhiều chục năm sau. Các tổ chức ĐNND đã không chỉ góp phần quan trọng cho thành công của hai cuộc kháng chiến mà còn làm Việt Nam thành một biểu tượng của lương tri, của lòng yêu hòa bình, đoàn kết, hữu nghị trên toàn thế giới. Sau những năm bị bao vây cấm vận kéo dài, đến khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, thì Việt Nam lại bước vào ngôi nhà chung thế giới với những hình ảnh và tiếng nói mới. Bạn cũ quay lại, bạn mới xích gần và kẻ thù cũ cũng thành thân hữu.

Thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, hệ thống tổ chức ĐNND đã được nâng tầm lên một vị trí với những trọng trách mới. Đó là Chỉ thị số 28 của Ban bí thư TW Đảng Khóa X, Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XI. Với quan điểm này, công tác ĐNND không còn là của các chính khách quốc gia, doanh nghiệp mà đã trở thành sứ mệnh, mệnh lệnh, yêu cầu của cuộc sống đối với từng công dân dù ở chốn thôn quê hay nơi thành thị. Ngày nay chúng ta đã có một mạng lưới bạn bè quốc tế mới cho một Việt Nam mới. Chỉ riêng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp đỡ ta 10 năm qua với 1,7 tỷ USD rất lòng thành và hiệu quả. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trở thành một hệ thống tổ chức chính trị xã hội lớn mạnh và rộng khắp.

"Vòng tay" của em bé Việt Nam

Dân tộc Việt Nam ta sinh sống ở một xứ sở nhiều thiên tai, nhân họa nên ý chí rất kiên cường, bất khuất. Nhưng cũng vì phải đấu tranh với nhiều tai ương nên người Việt từ ngàn xưa đã biết quý trọng hòa hiếu, vị tha, ý thức trọn vẹn được cái giá phải trả để có hòa bình. Chúng ta lại có nhiều truyền thống nặng tình như "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Bầu ơi thương lấy bí cùng". Hay "Một ngày nên nghĩa", "Ra trông thấy nhau, vào trông thấy nhau", "Một điều nhịn chín điều lành", rồi "Cơm sôi nhỏ lửa"…

Nét văn hóa rất cầu thị, chân thành và mộc mạc nhưng tế nhị như "Thật thà bằng cha mách qué", "Lời nói không mất tiền mua"… đã khiến cho kẻ thù cũng phải cúi đầu bởi phẩm chất "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo". Xưa Nguyễn Trãi thắng trận còn cấp 500 ngựa, thuyền cho người thất trận để "Mở đường hiếu sinh". Quang Trung đòi lại giang sơn bằng kiếm sắc cũng vẫn đúc tượng người bại tướng xâm lược để tỏ lòng hòa hiếu. Nhưng từ cổ chí kim, chúng ta cũng đều thấy rằng, hòa hiếu là một bản lĩnh thâm hậu. Không chỉ giàu lòng nhân ái, bao dung mà còn phải mạnh mẽ, sáng suốt và trung chính. Mạnh mẽ để đấu tranh với ác tà, phi nghĩa. Trung chính để làm gương cho thiên hạ. Sáng suốt để phân biệt trắng đen. Yêu chuộng hòa bình và tình nghĩa chính là gốc và cũng là cái đích của nhân sinh. Đạo hòa hiếu có lẽ đầu tiên là phải biết đem lại an vui, êm ấm cho gia đình mình, cơ quan, tổ chức mình, đất nước mình. Sau là thịnh vượng, ấm no đi đến. Có thực mới vực được đạo. Có điều kiện mới dễ bề san sẻ, bọc đùm và mới mong hướng tới cao đẹp, nhân văn hơn. Tôi cho rằng năng lực hòa hiếu chính là thước đo bản lĩnh của mỗi dân tộc. Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể lại câu chuyện sau.

Người Việt luôn mở rộng một vòng tay.

Năm 2000, lần đầu tiên vợ chồng một Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam. Bill Clinton và vợ là Hillary, (sau là Bộ trưởng ngoại giao Mỹ). Một cuộc viếng thăm đầy ắp ý nghĩa cả về chính trị, ngoại giao, lịch sử và xã hội. Trước khi họ về nước, chúng tôi đã tổ chức một cuộc gặp để thông tin cho Tổng thống về hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Hai con người quyền lực nhất của một quốc gia hùng mạnh nhất. Hai con người cũng đại diện cho sự thiện ý hàn gắn vết thương chiến tranh của một đất nước đã gây ra bao đau thương cho Việt Nam. Còn bên kia là mấy em bé Quảng Trị tàn phế bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Khi Tổng thống Bill Cliton gặp một cậu bé non nớt, khôi ngô và kháu khỉnh, ông liền giơ tay để nắm tay em. Cậu bé cũng giơ tay đón nhận. Nhưng đó là một cánh tay không có bàn tay. Nó đã bị bom mìn cướp đi như đã ngắt một búp chồi. Tổng thống Mỹ sững người. Còn phu nhân thì không cầm được nước mắt. Em bé nhoẻn cười tươi rói dưới liên hồi ánh chớp máy ảnh. Em không có bàn tay để đáp lễ với khách. Nhưng tâm hồn em, dân tộc của em luôn mở rộng vòng tay bao dung và nhân ái; trong sáng, cao thượng và chân thành với cả những gì đã từng gây đau đớn cho em. Vì em là em bé Việt Nam.

Vũ Xuân Hồng - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/viet-nam-va-ban-linh-hoa-hieu-84246.html