Việt Nam và Ba Lan đẩy mạnh xúc tiến thương mại song phương

Hợp tác trong nông nghiệp giữa Ba Lan và Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia năm 2017 đã đạt 182 triệu Eur. Theo ông Vũ Đăng Dũng- Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, một trong những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) hai bên là phải tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt thị trường, nắm bắt đối tác kết nối trong tương lai.

Bộ NNPTNT hai nước Ba Lan và Việt Nam tin tưởng trao đổi nông sản giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh trong tương lai. (Ảnh minh họa).

Theo Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp quốc gia (KOWR - Ba Lan), với những lợi thế về sản phẩm, với sự nỗ lực của Chính phủ 2 nước và các DN hai bên, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Bộ NNPTNT Ba Lan xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên hợp tác trong thời gian tới trong các lĩnh vực tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chế biến.Việt Nam hiện là một trong 14 thị trường quan trọng trên thế giới đối với các DN trong ngành nông nghiệp, thực phẩm Ba Lan.

Táo đỏ,một trong những mặt hàng nông sản của Ba Lan được người Việt Nam ưa thích. Ảnh: Thu Sương

Tại hội chợ thực phẩm và đồ uống Ba Lan tổ chức hồi tháng 5.2018, trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch Hiệp hội thịt Ba Lan Witold Choinski nhấn mạnh về kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thịt sang thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam. Với 1.300 nhà máy sản xuất thịt với 200.000 hộ nông dân chăn nuôi theo hình thức khép kín (nuôi và trồng-PV) theo truyền thống gia đình, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm, chế biến an toàn, ông Witold Choinski hy vọng sản phẩm thịt của Ba Lan được người việt Nam ưa chuộng.

“Chúng tôi mong muốn các thủ tục hành chính ở Việt Nam được cải thiện để giao thương giữa hai nước thông suốt hơn” – ông Witold Choinski bày tỏ.

Cũng tại Hội chợ thực phẩm và đồ uống Ba Lan, ông Dariusz Sapinski-Chủ tịch Tập đoàn Mlekovita -Tập đoàn sản xuất, chế biến sữa hàng đầu của Ba Lan tiết lộ: Mỗi năm có hàng trăm tấn sản phẩm sữa bột của Tập đoàn được một nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam nhập khẩu qua trung gian, đưa về sản xuất sữa hoàn nguyên.

“Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu mạnh mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, chế phẩm từ thịt và gia cầm, táo, và một số mặt hàng nông sản khác từ phía Ba Lan. Chúng tôi mong trong tương lai, thương mại giữa hai nước được thúc đẩy mạnh hơn”-ông Dariusz Sapinski tỏ ra tin tưởng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, nhiều DN cũng bày tỏ, khoảng cách về địa lý cũng như nền văn hóa ẩm thực giữa 2 nước đang là trở ngại giao thương giữa 2 nước. Chính vì vậy, KOWR đang nỗ lực tạo cơ hội cho các cuộc gặp ở cấp độ cá nhân và thiết lập quan hệ kinh doanh trực tiếp. Trong đó, đẩy mạnh trao đổi nông sản giữa 2 quốc gia là chương trình dài hơi mà Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cũng như Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và KOWR đang chú trọng xúc tiến.

Ba Lan có tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam bởi lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn, cơ chế giao đất, khuyến khích phát triển sản xuất hợp lý, kết hợp công nghệ gieo trồng, chế biến hiện đại đã giúp Ba Lan phát huy tốt thế mạnh ngành nông nghiệp. Ngược lại, Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng mà người tiêu dùng Ba Lan ưa chuộng.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng, nếu so với các lĩnh vực khác, nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam và Ba Lan có nhiều triển vọng. Một trong những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy hợp tác giữa DN hai bên là phải tăng cường kết nối thông tin để DN hai bên nắm bắt thị trường, nắm bắt đối tác để xây dựng các chương trình kết nối trong tương lai.

Khánh Vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/viet-nam-va-ba-lan-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-song-phuong-632819.ldo