Việt Nam và Ấn Độ hưởng lợi từ làn sóng 'tháo chạy' của các nhà sản xuất công nghệ ở Trung Quốc

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho thấy Việt Nam và Ấn Độ đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ khi các công ty cung cấp linh kiện điện tử ngừng một phần hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, qua đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước này.

Theo nội dung báo cáo, chuỗi cung ứng công nghệ ở Trung Quốc đại lục sẽ có sự thay đổi lớn, trong bối cảnh các công ty sản xuất linh kiện cho điện thoại thông minh, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao khác chuyển các nhà máy ra khỏi nền kinh tế hàng đầu châu Á, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường thế giới.

Đặc biệt, mối đe dọa về mức thuế quan mới trong tương lai của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình tiến hành kế hoạch này nhanh hơn.

 Các công ty công nghệ lên kế hoạch di dời một phần hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia tỷ dân trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Việt Nam, Ấn Độ được cho là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến này. Ảnh: IT.

Các công ty công nghệ lên kế hoạch di dời một phần hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia tỷ dân trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Việt Nam, Ấn Độ được cho là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến này. Ảnh: IT.

Goldman Sachs cho biết hơn 34 doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng công nghệ ở Trung Quốc đã thành lập hoặc đang xây dựng cơ sở sản xuất mới ở các nước Đông Nam Á - khu vực có lao động giá rẻ và chi phí thuê đất thấp.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng Việt Nam và Ấn Độ là hai “miền đất hứa” để thành lập các nhà máy sản xuất mới đối với những công ty cung cấp linh kiện điện tử ở Trung Quốc và Đài Loan.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta từ Trung Quốc tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 5.200 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2019.

Theo Bộ Chính sách Công nghiệp và Xúc tiến Ấn Độ, vốn FDI từ Trung Quốc đổ nước này tăng 137% trong năm 2018, vượt 391 triệu USD.

Nhà sản xuất linh kiện điện tử AAC Technology được niêm yết trên thị trường Hồng Kông và có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết, sẽ di dời cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đại lục, sau đó thành lập các nhà máy mới tại Việt Nam và Philippines nửa cuối năm 2019. Đây là công ty chuyên cung cấp linh kiện âm thanh cho điện thoại thông minh và ống kính cho Apple và là đối thủ cạnh tranh của Huawei Trung Quốc.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết doanh thu tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Công suất mới sẽ dần được bổ sung vào năm 2020.

Công ty lắp ráp Luxshare ở Thâm Quyến cũng đang mở rộng địa điểm sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất tại nhà máy thứ hai ở Việt Nam vào tháng 6/2020. Ở Ấn Độ, Luxshare cũng đã thành lập một công ty con hồi đầu năm và lên kế hoạch vận hành vào cuối năm nay.

“Gã khổng lồ” chế tạo linh kiện điện tử và máy tính Foxconn - thương hiệu của công ty Đài Loan Hon Hai Precision Industry Co. hiện sở hữu 14 chi nhánh tại Ấn Độ, bao gồm sản xuất, hậu cần, bảo trì, bán hàng, tiếp thị… Ngoài 6 chi nhánh tại Việt Nam, công ty công bố kế hoạch đầu tư một cơ sở khác hồi tháng 1 với tổng số vốn lên tới 16,6 triệu USD.

Bên cạnh xu hướng chuyển dịch đầu tư ồ ạt ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của các nhà cung cấp linh kiện điện tử, báo cáo của Goldman Sachs cũng chỉ ra một số hạn chế.

Đầu tiên là vấn đề thời gian. Phải mất ít nhất từ 3 - 6 tháng, thậm chí 18 tháng để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện mới trước khi bắt đầu hoạt động.

Tiếp đó là tình hình kinh doanh bị gián đoạn, vì phải phối hợp giữa mua sắm, logistics và sản xuất trên nhiều địa điểm khác nhau. Điều này có thể sẽ không đạt hiệu quả cao.

Thứ ba là trình độ kỹ thuật của công nhân và vấn đề hội nhập văn hóa.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, việc sản xuất linh kiện cao cấp như chất bán dẫn khó có thể chuyển đến Việt Nam nhưng sản xuất điện thoại thông minh và PC có nhiều khả năng sẽ diễn ra ở nước này và Ấn Độ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/viet-nam-va-an-do-huong-loi-tu-lan-song-thao-chay-cua-cac-nha-san-xuat-cong-nghe-o-trung-quoc-165239.html