Việt Nam ứng dụng liệu pháp điều trị ung thư vừa đoạt giải Nobel y học

Công trình đoạt Giải Nobel Y học 2018 của nhà miễn dịch học danh tiếng - GS Tasuku Honjo cùng các cộng sự tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) với phát hiện đột phá trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch đã được ứng dụng tại Việt Nam.

Cuộc họp báo thông tin về các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018.

Cuộc họp báo thông tin về các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018.

Ngày 8/10, tại cuộc họp báo thông tin về các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018, các chuyên gia y tế của Bệnh viện K T.Ư đã chia sẻ về "vũ khí" chống lại tế bào ung thư mới đang được triển khai tại Việt Nam. Đây là phương pháp điều trị ung thư đã giúp cho 2 nhà khoa học GS James P.Allison (Mỹ) và GS Tasuku Honjo (Nhật Bản) vừa giành giải Nobel Y học và Sinh lý học ngày 1/10 vừa qua. Hiện liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM...

Bác sĩ Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho hay cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, Bệnh viện K chính thức điều trị cho hàng chục bệnh nhân bằng liệu pháp này. Thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, thận tiết niệu… Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác như gan, thận, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng. “Hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn”- TS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho hay.

Chi phí điều trị cho một chu kỳ từ 60 - 120 triệu đồng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, liều dùng, độ tuổi, cân nặng của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần, mỗi lần 1 lọ và truyền liên tục. Hiện bảo hiểm chưa thanh toán cho những loại thuốc này. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xác hội cho biết, để chia sẻ với bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, hãng thuốc đã đồng ý hỗ trợ với phương thức, khi bệnh nhân dùng 4 lọ thì sẽ hỗ trợ 2 lọ, lần lượt các đợt điều trị khác cũng như vậy.

Chia sẻ về quá trình điều trị thử nghiệm cho các bệnh nhân ung thư, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn cho biết: Chúng tôi hoạt hóa tế bào ung thư ở bên ngoài cơ thể với mục đích cuối cùng là tăng cường sức đề kháng của bệnh nhân, tăng số lượng tế bào có thẩm quyền miễn dịch, đồng thời tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch này thông qua việc hoạt hóa chúng trong điều kiện nuôi cấy đặc biệt để các tế bào này có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Ở mỗi bệnh nhân, chúng tôi lấy ra được từ 10 đến 30 ml máu ngoại vi và sẽ tách ra được vài tỷ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân.

Mục đích của liệu pháp này mà chúng tôi ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư nhằm hướng đến việc giúp các bệnh nhân có một cuộc sống chất lượng, khỏe mạnh hơn trong mỗi ngày. Điều trị bằng phương pháp này bệnh nhân sẽ hạn chế tối đa được đau đớn, sinh hoạt bình thường, sống có ý nghĩa hơn với bản thân. Tại Nhật Bản, họ đã điều trị theo phương pháp này trên 10 nghìn lượt người và có khoảng 60% bệnh nhân đáp ứng tốt liệu trình điều trị. 3% bệnh nhân giai đoạn 3b và 4 có khối u di căn không phát triển hoặc biến mất.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/viet-nam-ung-dung-lieu-phap-dieu-tri-ung-thu-vua-doat-giai-nobel-y-hoc-d82781.html