Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an: Ưu tiên nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Gìn giữ hòa bình là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam khi ứng cử làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Mặc dù quá trình tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam chưa dài nhưng đã đạt được những kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Nhân dịp khóa họp thứ 73 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chuẩn bị bỏ phiếu bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Việt Nam là một trong các ứng cử viên, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Vân Hải, Tùy viên quân sự Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Đại tá Nguyễn Vân Hải, Tùy viên quân sự Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Đại tá Nguyễn Vân Hải, Tùy viên quân sự Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

PV: Xin Đại tá cho biết những đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong thời gian vừa qua?

Đại tá Nguyễn Vân Hải: Kể từ năm 2014 khi mà 2 sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trên cương vị Sĩ quan Liên lạc/Quan sát viên Quân sự tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc Nam Sudan, Việt Nam đã có bước tiến khá ngoạn mục và tương đối toàn diện trong đóng góp vào công cuộc gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên 3 lĩnh vực.

Thứ nhất là lĩnh vực triển khai lực lượng. Việt Nam liên tục cử các sỹ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc không chỉ ở Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan mà còn tại Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi.

Cho đến nay, quân đội ta đã cử 30 lượt sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc dưới hình thức cá nhân, tập trung vào 2 Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Tháng 10/2018, Việt Nam lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị Bệnh viện Dã chiến cấp 2 sang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan. Sự kiện này đã đưa thứ hạng của Việt Nam trong đóng góp vào gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ 100 lên 62.

Hiện nay Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng đội công binh với khoảng 300 người với trang bị hiện đại để triển khai khi Liên Hợp Quốc yêu cầu.

Thứ hai, lĩnh vực đào tạo và xây dựng năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Việt Nam đã đăng cai tổ chức 2 khóa đào tạo. Khóa thứ nhất về đào tạo công binh hạng nặng quốc tế; và khóa thứ 2 về đào tạo sỹ quan cấp cao về hoạch định kế hoạch quốc gia về gìn giữ hòa bình.

Thứ ba, Phòng Tùy viên quân sự (TVQS) được mở vào năm 2014 và cũng kể từ đó đến nay, Tùy viên quân sự thực hiện nhiệm vụ cố vấn quân sự đã tham gia tích cực cùng các nước xây dựng các chính sách về gìn giữ hòa bình như Hành động vì Hòa bình, bảo đảm an ninh an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình, bảo vệ thường dân và chống lạm dụng và bóc lột tình dục trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Như vậy chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi cử 2 sỹ quan đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc Việt Nam đã có những bước tiến dài được Liên Hợp Quốc ghi nhận đó là triển khai lực lượng vừa đăng cai đào tạo xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình quốc tế.

PV: Cộng đồng quốc tế đánh giá thế nào về các đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và bản thân những hoạt động như vậy đã giúp Việt Nam được những gì thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Vân Hải: Trước hết, phải khẳng định rằng các đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, Phái bộ và các tổ chức quốc tế/Tổ chức phi Chính phủ (I/NGOs) tại địa bàn đánh giá rất cao. Điều này thể hiện qua nhận xét của Phái bộ Liên Hợp Quốc về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các sĩ quan của Việt Nam (hình thức cá nhân) sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở các mức như hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc, đánh giá cao tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế và đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh với môi trường khắc nghiệt, môi trường đa quốc gia.

Tất cả các sĩ quan của Việt Nam đều được Phái bộ đề nghị tiếp tục cử tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và tại các vị trí cao hơn, kể cả các vị trí dân sự. Từ chất lượng sỹ quan của ta trong tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nên Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao và chọn là nơi huấn luyện gìn giữ hòa bình quốc tế đầu tiên tại Đông Nam Á.

Thứ hai, đối với đội hình Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2, sau 6 tháng thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện dã chiến đã thu dung và điều trị cho hơn 1000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 30 ca phẫu thuật, 22 ca trung và đại phẫu, 3 ca tải thương đường không lên tuyến trên. Tất cả các lượt bệnh nhân đều được khám, chữa bệnh đảm bảo, an toàn và hài lòng với các dịch vụ y tế mà Bệnh viện dã chiến cấp cấp 2 cung cấp.

Đồng thời, bên cạnh việc thu dung, khám chữa bệnh cho các nhân viên của Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam cũng đã hỗ trợ tốt cho các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ khác tại địa bàn, thông qua việc khám chữa bệnh cho các nhân viên của họ cũng như cho các trường hợp người dân địa phương mà các tổ chức này không đủ điều kiện và khả năng khám chữa bệnh.

Trong thang điểm hàng quý, Liên Hợp Quốc đã dành điểm tối đa là 100 cho Bệnh viện dã chiến cấp cấp 2 của chúng ta và Lãnh đạo của Liên Hợp Quốc (Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự Liên Hợp Quốc) đã 2 lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam, cảm ơn sự đóng góp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thứ ba, sự nhìn nhận đối với các đóng góp của Việt Nam trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng được thể hiện qua việc Việt Nam đã ký kết được 9 MOU (Bản ghi nhớ) về hợp tác trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình với các nước đối tác, bao gồm Australia, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Liên bang Nga và Hàn Quốc.

PV: Nếu Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 thì trọng trách của chúng ta sẽ lớn hơn vậy chúng ta có những ưu tiên nào trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình trong thời gian tới?

Đại tá Nguyễn Vân Hải: Với vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng Việt Nam sẽ được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với trọng trách này, Việt Nam sẽ phải tham gia tích cực hơn vào công việc gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển đồng thời thể hiện được “Việt Nam là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Vì vậy, Việt Nam có những ưu tiên trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Về góc độ quốc gia, Việt Nam sẽ tăng cường và sẵn sàng đóng góp lực lượng, phương tiện nhiều hơn nữa để cùng Liên Hợp Quốc triển khai tới các phái bộ đang hoạt động hoặc các phái bộ mới được thành lập trong tương lai. Hiện Việt Nam đã sẵn sàng 1 đội Công binh gần 300 quân cùng nhiều trang thiết bị công trình để tham gia tái thiết hậu xung đột trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình dưới cờ của Liên Hợp Quốc. Việt Nam sẽ cử nhiều hơn các sỹ quan làm việc tại các phái bộ và thi vào làm việc tại các vị trí ở trụ sở Liên Hợp Quốc và đăng cai các khóa học và hội thảo về gìn giữ hòa bình, chẳng hạn như vai trò của phụ nữ trong tham gia gìn giữ hòa bình dự kiến được tổ chức trong năm nay.

Hiện Liên Hợp Quốc đang có những quan tâm về đưa sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về hành động vì Hòa bình mà Việt Nam đã ký cam kết ủng hộ; Bảo vệ thường dân; chống lạm dụng và bóc lột tình dục; và cân bằng giới trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Những sáng kiến và mối quan tâm này không chỉ của Liên Hợp Quốc mà còn cả cộng đồng quốc tế nên với vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia để đưa ra các sáng kiến và xây dựng kế hoạch hành động thực tiễn, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc./.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/viet-nam-ung-cu-hoi-dong-bao-an-uu-tien-nhiem-vu-gin-giu-hoa-binh-918463.vov