Việt Nam tụt bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu: Chuyên gia kinh tế không ngạc nhiên

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng không ngạc nhiên trước báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) công bố.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh tư liệu.

Theo đó, Việt Nam tụt hạng 3 bậc, từ vị trí 74 xuống xếp thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng.

Chia sẻ với báo giới, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, ông "không ngạc nhiên về sự giảm bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế quốc tế, vì từ năm ngoài trở đi họ có những cách thức đánh giá khác so với năm 2017 và không có trọng số.

Tất cả các yếu tố đều như nhau, nghĩa là những yếu tố căn bản đối với nước ta chiếm 60%, 20% 30% là yếu tố thúc đẩy hiệu quả đến yếu tố công nghệ chỉ có 10% hay 5% thôi".

Ông Cung cho hay, WEF đánh giá không có trọng số, tất cả đều giống nhau và họ nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo vì nền kinh tế sắp tới tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố này.

Yếu tố đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được đánh giá rất thấp. Trong một năm qua, chúng ta không nhìn thấy sự thay đổi đó, của thể chế, của năng lực đổi mới sang tạo.

Rõ ràng, đây là một dấu hiệu lo ngại nhưng đó cũng là một chỉ báo rất rõ ràng cho chúng ta, phải cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia."

"Không có cách gì khác là phải cải thiện để tạo ra cạnh tranh công bằng, vì chỉ khi có cạnh tranh thì doanh nghiệp buộc phải đổi mới sáng tạo, vậy mới tồn tại được.

Nếu cứ tiếp tục tồn tại dựa vào quan hệ, cơ chế xin cho phân bố nguồn lực, thì triệt tiêu sáng tạo. Đó là chỉ báo hết sức rõ ràng, mạnh mẽ cho chúng ta trong việc tiếp tục đổi mới" - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 20180 (The Global Competitiveness Report 2018), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng. Năm nay, 5 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng lần lượt là Mỹ, Singapore, Đức, Thụy Sỹ, Nhật Bản.

Chỉ số xếp hạng tổng quan của Việt Nam và các chỉ số cụ thể trong 12 tiêu chí trong xếp hạng của WEF. Từ trái qua: điểm năng lực cạnh tranh, thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh, và năng lực sáng tạo - Nguồn: WEF.

Trong số các tiêu chí trên, tiêu chí về “sức khỏe” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140.

Đỗ Phương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/viet-nam-tut-bac-nang-luc-canh-tranh-toan-cau-chuyen-gia-kinh-te-khong-ngac-nhien-636742.ldo