Việt Nam tự tin đảm đương trọng trách tại Liên hợp quốc

Đó là một trong những thông điệp quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).

Trả lời phỏng vấn trước khi lên đường đi dự Đại Hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến chuyển nhanh chóng và phức tạp. Trong đó, chiến tranh, xung đột, đói nghèo vẫn là những thách thức gay gắt mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt.

Tiếp tục vai trò tiên phong

Chính vì vậy, với chủ đề “Làm cho LHQ gắn kết với tất cả người dân: Vai trò lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì xã hội hòa bình, công bằng, bền vững”, Thủ tướng sẽ cùng Lãnh đạo cấp cao 193 quốc gia thành viên LHQ thảo luận, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để xử lý các thách thức toàn cầu đối với an ninh và phát triển, cũng như các biện pháp làm cho LHQ phục vụ tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân.

Đến kỳ họp lần này, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam mang theo một thông điệp mạnh mẽ: “Là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết làm hết sức mình, trong khả năng và điều kiện cho phép để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển; một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dân chủ và dựa trên luật lệ”. Là quốc gia từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, Việt Nam cảm nhận sâu sắc những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra và trân trọng giá trị của hòa bình. Đồng thời, Việt Nam cũng là một tấm gương sáng về thành tựu vượt qua đói nghèo, hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải các mâu thuẫn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Liên Hợp quốc vào ngày 27/9.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu ở châu Á, thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và các khuôn khổ hợp tác, chương trình nghị sự quan trọng khác của LHQ. Việt Nam mong muốn học hỏi từ cộng đồng quốc tế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, mục đích của Việt Nam trong hoạt động tại LHQ lần này còn là tranh thủ các nguồn lực và cơ hội cho phát triển, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến, kế hoạch và ưu tiên hành động của LHQ ở cấp độ quốc gia và khu vực.

Việt Nam và LHQ vừa ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan LHQ. Kế hoạch OSP được xây dựng phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam, các mục tiêu SDGs, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Việc thực hiện tốt các sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm hơn trong tương lai, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng như trên trường quốc tế.

Theo Thủ tướng, chuyến công tác lần này còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển con người hướng đến mục tiêu bao trùm và bền vững; là dịp để Việt Nam chia sẻ và đề xuất các sáng kiến chính sách trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người phù hợp với bối cảnh phát triển của từng quốc gia; quyền của nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động khuyết tật, vấn đề lao động trẻ em, buôn bán phụ nữ, và vấn đề biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các quan chức Liên hợp quốc và Đoàn Ngoại giao tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tháng 10/2017.

Ứng cử vào Hội đồng Bảo an

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đến với kỳ họp năm nay với một vinh dự và cùng với đó là trách nhiệm hết sức to lớn là ứng cử viên không chỉ của ASEAN mà còn của cả Nhóm châu Á-Thái Bình Dương gồm 54 nước vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam đã có vinh dự gánh vác trọng trách này trong nhiệm kỳ 2008-2009 và đã có những đóng góp quan trọng được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Với kinh nghiệm đã đúc kết được, với tinh thần hợp tác tích cực và chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ, Thủ tướng bày tỏ Việt Nam tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

“Ngay trong những ngày này, ở châu Phi xa xôi, những sỹ quan của quân đội nhân dân Việt Nam đang sát cánh cùng với những người lính đến từ nhiều quốc gia trong một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà LHQ và cộng đồng quốc tế trao cho họ - “Sứ mệnh gìn giữ hòa bình”. Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là một biểu tượng mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế. Đó là truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của con người và đất nước Việt Nam. Đó là một Việt Nam sẵn sàng chung tay, góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại”, Thủ tướng chia sẻ.

Dấu ấn trên cả 3 trụ cột

Tại ngôi nhà chung LHQ, hình ảnh một Việt Nam tích cực, có trách nhiệm được Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý phác họa bằng những dấu ấn trên cả ba trụ cột: hòa bình-an ninh, phát triển và quyền con người.

Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là điểm sáng thể hiện tinh thần đối tác có trách nhiệm của Việt Nam. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sỹ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở CH Trung Phi và ở Nam Sudan.

Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam được đánh giá là hình mẫu điển hình trong hợp tác giữa Việt Nam và LHQ. Với sự trợ giúp hiệu quả của LHQ, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của LHQ áp dụng thành công mô hình “Một LHQ” Việt Nam là nước đầu tiên có Một ngôi nhà xanh chung của LHQ, nơi mà tất cả các cơ quan của LHQ cùng làm việc dưới một ngôi nhà hiện đại, sử dụng năng lượng Mặt Trời, tiết kiệm điện và năng lượng. Điều quan trọng là cùng làm việc, cùng ngồi với nhau để xây dựng và triển khai các chương trình cụ thể.

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của quốc gia thành viên thông qua việc tiến hành các báo cáo rà soát và phổ quát (UPR), đồng thời tích cực tham gia vào việc bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Phương Hằng

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/viet-nam-tu-tin-dam-duong-trong-trach-tai-lien-hop-quoc-78588.html