Việt Nam trước 'thập kỷ có một'

Thương mại toàn cầu đang diễn biến khó lường đã tác động lên từng quốc gia, khu vực. Thế nhưng, bối cảnh khó khăn hiện tại lại là cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam hiện đứng trước cơ hội 'thập kỷ có một' nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư - xuất khẩu và gia nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

 EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 20% vào năm 2020 (trong ảnh: chế biến hạt macca xuất khẩu). Ảnh: VIẾT CHUNG

EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 20% vào năm 2020 (trong ảnh: chế biến hạt macca xuất khẩu). Ảnh: VIẾT CHUNG

Xuất khẩu sụt giảm từ 2018

Những thập niên vừa qua, làn sóng siêu toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) một cách sâu rộng. Đây cũng là động lực chính cho các quốc gia này nhằm phá bỏ “vòng luẩn quẩn đói nghèo”.

Chúng ta dễ nhận thấy sự tương quan giữa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu nhập tại các quốc gia, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan là những thí dụ điển hình. Tuy nhiên, các nước EMDEs đang đối mặt với “làn gió ngược” khi hoạt động thương mại quốc tế hình thành xu hướng giảm trong 2 năm vừa qua.

Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đã bắt đầu sụt giảm kể từ đầu năm 2018. Tình hình trở nên xấu hơn khi ngay cả giá trị giao dịch thương mại của một số trung tâm sản xuất của thế giới như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc, đã bắt đầu tăng trưởng âm trong các tháng đầu năm 2019.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng giảm đó. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tăng trưởng xuất khẩu tính đến giữa tháng 6 chỉ đạt 7,1% (mức khá thấp trong các năm trở lại đây). Theo đánh giá của chúng tôi, trong năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu có thể chỉ đạt 8%, lần đầu tiên trong thập niên qua thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Dù chưa có đánh giá rõ ràng nào cho thấy quan hệ nhân quả của tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc sẽ kéo tăng trưởng GDP giảm. Tuy nhiên, thật khó phủ nhận những tác động tiêu cực do động lực xuất khẩu suy giảm.

Đó là nhu cầu đầu tư phát triển lớn đi kèm nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cao. Vì thế, việc xuất khẩu suy yếu sẽ tác động trực tiếp tới cán cân thương mại quốc gia. Cán cân thương mại Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thâm hụt trong 5 tháng qua, đối lập với mức thặng dư 3 tỷ USD cùng kỳ 2018.

Chúng tôi đánh giá tình trạng thâm hụt trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn và cán cân thương mại cả năm vẫn sẽ thặng dư, nhưng so với con số 7 tỷ USD đạt được trong năm 2018, thì mức sụt giảm thực sự sẽ rất lớn.

Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Cho đến khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cần có giải pháp của riêng mình để vượt qua những thách thức lớn, gồm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xu hướng “khu vực hóa” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bất chấp sự suy yếu hiện tại, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng thương mại của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, cơ hội vẫn có sức nặng hơn so với các thách thức. Thí dụ, Việt Nam được xem là điểm giao thoa giữa 2 chiến lược “Trung Quốc + 1” và “Làn gió phương Nam” của Hàn Quốc.

Đây thật sự là thời cơ “thập kỷ có một” để tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển sản xuất và đơn hàng xuất khẩu tại một số ngành nghề nhất định từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Hơn nữa, việc Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA), mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2-3,3% giai đoạn 2019-2023.

Cùng với các FTA thế hệ mới đã ký kết như CPTPP, hiệp định EVFTA tiếp tục mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường khá mới mẻ. Ngoài ra, những cơ hội xuất khẩu ngắn hạn trong khu vực như nhu cầu nhập khẩu sắt thép từ Campuchia hay gạo từ Philippines.

Trong năm 2018, việc Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo do ảnh hưởng từ bão lũ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lên trên 3 tỷ USD.

Ngôi sao sáng khu vực

Liên quan tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chúng tôi có góc nhìn lạc quan. Trong kịch bản tích cực khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020, Việt Nam thực sự sở hữu những lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước khác trong khu vực nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD (tăng 38,7%), số dự án mới đạt 1.363 dự án (tăng 26,7%). Trong thời gian này còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn 7,65 tỷ USD (gấp 2,8 lần so với cùng kỳ).

Dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào hoạt động chế biến chế tạo với các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, thiết bị điện tử, dệt may. Điểm đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án tầm trung (quy mô 100-500 triệu USD) tăng đáng kể. Dù chưa ghi nhận dự án tỷ USD, nhưng triển vọng và tốc độ giải ngân của dự án được đánh giá cao.

Như đã đề cập phần trên, việc ký kết thành công các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực. Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, chúng tôi cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến và giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử).

Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG hay Microsoft.

Có thể thấy cơ hội dường như khá rõ ràng, nhưng khả năng hiện thực hóa cơ hội đó đến đâu, phụ thuộc vào cách tiếp cận của khu vực doanh nghiệp nói riêng và định hướng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Vũ Anh Tú, CTCK Rồng Việt (VDSC)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/viet-nam-truoc-thap-ky-co-mot-70350.html